Sẽ có nhiều phép thử trong quá trình thực hiện phi hạt nhân hóa

12:47' - 13/06/2018
BNEWS Trong tuyên bố chung, Nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, văn kiện không nhắc đến việc kiểm chứng hay một khung thời gian cụ thể nào.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, phải) tại lễ ký tuyên bố chung ở Singapore ngày 12/6. Ảnh: THX/TTXVN

Hãng tin Kyodo ngày 13/6 dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, trọng tâm sẽ là biến thiện chí của Bình Nhưỡng thành hành động thực sự dỡ bỏ chương trình hạt nhân dưới sự kiểm chứng thiết thực của quốc tế.

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/6 vừa qua ở Singapore, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Tuy nhiên, văn kiện này không nhắc đến việc kiểm chứng hay một khung thời gian cụ thể nào cho việc thực hiện phi hạt nhân hóa, dù Tổng thống Trump sau đó nói rằng tiến trình này "sẽ được kiểm chứng" và giới chức cấp cao hai bên sẽ thảo luận chi tiết vấn đề này.

Theo các chuyên gia, kiểm chứng là "chìa khóa "trong việc thực hiện phi hạt nhân hóa "hoàn toàn" mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết. Chuyên gia Suzanne DiMaggio, thuộc nhóm nghiên cứu New America của Mỹ, cho biết: "Sẽ có nhiều phép thử trong quá trình thực hiện phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, phép thử lớn đầu tiên sẽ là liệu Triều Tiên có đồng ý để cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hay các thanh sát viên của các tổ chức đa phương khác vào nước này hay không".

IAEA đã không được tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên kể từ khi các nhân viên của cơ quan này bị trục xuất vào năm 2009. Gần đây, Nhật Bản đã đề xuất trang trải các chi phí ban đầu cho các hoạt động thanh sát của IAEA nếu Triều Tiên nhất trí nối lại hoạt động này.

Giới chức Mỹ nhắc lại các thỏa thuận trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trước đây đã không được hiện thực hóa.

Một thỏa thuận song phương năm 1994 đã sụp đổ khi Washington cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật làm giàu urani; một thỏa thuận trên bàn đàm phán 6 bên năm 2005 cũng đổ vỡ do tranh cãi về cách thức kiểm chứng việc "đóng băng" một cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.

Corey Hinderstein, người phụ trách các chiến lược chu kỳ nhiên liệu quốc tế của tổ chức Sáng kiến Đe dọa hạt nhân ở Washington, cũng nhân định: "Điều quan trọng là dù làm gì đi nữa, chúng ta cần bắt đầu bằng việc kiểm chứng".

Theo bà Hinderstein, hoạt động kiểm chứng này sẽ phải bao gồm việc Triều Tiên tuyên bố với một tổ chức kiểm chứng như IAEA về vũ khí hạt nhân, các cơ sở và nguyên liệu hóa thạch liên quan, bao gồm urani và plutoni.

Về phần mình, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học và an ninh quốc tế tại Washington, David Albright gợi ý có thể tính đến việc đưa các nhà khoa học hạt nhân của Triều Tiên ra nước ngoài làm việc, như một phần của tiến trình đạt đến phi hạt nhân hóa "hoàn toàn".

Theo chuyên gia này, các chính phủ và tổ chức nước ngoài nên tạo cơ hội cho họ làm việc trong lĩnh vực hạt nhân dân sự và năng lượng tái tạo.

Các chuyên gia dự báo sẽ mất nhiều năm để tiến hành các hoạt động thanh sát với các chương trình hạt nhân và tên lửa đã phát triển ở một trình độ nhất định của Triều Tiên.

Tháng trước, ông Siegfried Hecker, chuyên gia hạt nhân của Đại học Stanford, nhận định tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên có thể mất tới 15 năm, và điều tốt nhất mà Mỹ có thể hy vọng là một tiến trình từng bước một, bắt đầu từ các phần nguy hiểm nhất của chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Tuy nhiên, chuyên gia Albright khuyến cáo chính quyền Tổng thống Trump và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nên sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên, coi đây là "đòn bẩy" để khuyến khích Bình Nhưỡng có các biện pháp cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa./.

Xem thêm:

>>>Giới chuyên gia đánh giá tác động thị trường sau hội nghị Mỹ - Triều

>>>Lạm phát gia tăng làm “đau đầu” các nhà hoạch định chính sách Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục