Sẽ có những quyết sách mới cho phát triển kinh tế tập thể

16:29' - 14/10/2019
BNEWS Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hội nghị này sẽ là những biện cứ khoa học quan trọng để hoàn thiện Đề án tổng kết trình Bộ chính trị.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Chiều 14/10, phát biểu khai mạc tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới, Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhấn mạnh: Với những ý kiến đóng góp, giải pháp đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác và Hội nghị này sẽ là những biện cứ khoa học quan trọng để hoàn thiện Đề án tổng kết trình Bộ chính trị. Sau đó, sẽ có những quyết sách mới, chủ trương mới cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Đại hội Đảng lần thứ VI đã nêu, phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần; trong đó, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, Trung ương xác định trong kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn giữ vai trò nòng cốt.

Mục tiêu lớn nhất hiện nay là tìm giải pháp đưa kinh tế tập thể thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Cùng đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và tiến tới ngày càng có tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế nhưng đến nay mới chỉ đạt được một phần của mục tiêu chung.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 15 năm triển khai Nghị quyết và hơn 7 năm kể từ khi ra đời Luật Hợp tác xã năm 2012 được thông qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có nhiều phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 55% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 50-80% trong tổng số hợp tác xã phi nông nghiệp.

Đến nay, cả nước có hơn 101.400 tổ hợp tác, tăng 0,58% so với năm 2013; thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia, tăng 57,3%; có khoảng 1,1 triệu lao động thường xuyên, tăng 11,2%; doanh thu bình quân đạt 408 triệu đồng/tổ hợp tác/năm, tăng 75,7%; thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/lao động/năm, tăng 21%....

Bên cạnh đó, số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh qua các năm, từ 969 hợp tác xã thành lập mới năm 2003 lên 2.521 hợp tác xã thành lập mới năm 2018, tăng gấp 2,8 lần, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp.

Về Liên hiệp hợp tác xã, cả nước có 74 liên hiệp hợp tác xã tăng 49 liên hiệp hợp tác xã so với năm 2003, cả giai đoạn 2003-2018 thành lập mới 51 liên hiệp hợp tác xã, giải thể 28 liên hiệp. Các liên hiệp hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 52,7%; thu hút 375 hợp tác xã thành viên, tăng 324 thành viên so với năm 2003, tạo việc làm cho 25,2 nghìn lao động, với tổng số vốn hoạt động là hơn 441 tỷ đồng; doanh thu bình quân 1 liên hiệp là 944 triệu đồng/năm...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đóng góp khu vực hợp tác xã vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, trung bình đạt khoảng 4% . Tuy nhiên, đóng góp thông qua kênh gián tiếp, tác động tới kinh tế hộ thành viên là khá tích cực, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình đạt 30% GDP cả nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ thêm những tồn tại trong quá trình triển khai. Cụ thể như: việc học tập, quán triệt Nghị quyết chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao, còn nặng tính hình thức, việc sơ kết, tổng kết còn sơ sài, chưa sâu sắc, có biểu hiện thành tích, chưa thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia.

Công tác nghiên cứu lý luận, thực tiễn, giáo dục, đào tạo, tuyên truyền về kinh tế tập thể còn yếu; một số cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết, chưa thấy rõ vị trí, vai trò của hợp tác xã trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác chỉ đạo, thực hiện mới dừng ở chủ trương, chưa xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã.

Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật về hợp tác xã chưa thực sự đi vào cuộc sống, một số chính sách chưa được thực hiện như hỗ trợ về kết cấu hạ tầng hoặc thực hiện chưa hiệu quả (như chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm). Nguồn lực hạn chế và cơ chế phân bổ hỗ trợ kinh tế tập thể chưa hợp lý, nhất là ở các địa phương chưa tự cân đối được thu chi ngân sách… 

Ngoài ra, các mô hình hợp tác xã kiểu mới quy mô lớn chậm được hình thành và phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu; việc phổ biến, nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi, người dân chưa được tuyên truyền, hiểu rõ và tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do hợp tác xã mang lại.

Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, trong thời gian tới, cần tập trung nâng cao nhận thức về  bản chất, vai trò của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phù hợp, gắn với thực tiễn nhằm khuyến khích, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể theo hướng tập trung và thống nhất từ Trung ương đến địa phương; xác định rõ chức năng và nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

“Chúng ta cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ về công tác tại các hợp tác xã. Đồng thời, tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, phù hợp quy định pháp luật có liên quan; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức liên minh hợp tác xã, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước; chú trọng hình thành mạng lưới tổ chức tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã thành lập mới, xây dựng và quản trị sản xuất, kinh doanh.”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào hợp tác xã mạnh.

“Trong thời gian tới, bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho khu vực kinh tế hợp tác xã. Với những tín hiệu mới đang tác động tích cực tới phong trào hợp tác xã, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã. Trong thời gian tới phong trào hợp tác xã ở nước ta sẽ phát triển vững chắc, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng./.

Thúy Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục