Sẽ nhân rộng mô hình "Mỗi xã, phường một sản phẩm"

06:30' - 04/03/2017
BNEWS Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng nghi nhận trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Sau 3 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng nghi nhận trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát huy những thế mạnh địa phương, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu tỉnh.

Kết quả này đã được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao, chủ chương nhân rộng chương trình trên cả nước.

Không chỉ nổi tiếng với những điểm du lịch nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long, Cô Tô, Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh còn được biết đến với những đặc sản đặc trưng như: lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô, trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ, nếp cái hoa vàng Đông Triều…

Cùng với đó, Quảng Ninh có thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm trong tỉnh, hàng năm tỉnh còn cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 200.000 lao động các ngành công nghiệp (khai thác than, xi măng, nhiệt điện) và hơn 8 triệu khách du lịch, trong đó có 3,5 triệu khách quốc tế.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế nông thôn Quảng Ninh vẫn bị đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Trong nhiều năm, thu nhập và đời sống người dân nông thôn còn thấp, sản xuất nhỏ quy mô hộ gia đình là chủ yếu, năng suất lao động thấp, các sản phẩm chủ yếu là sơ chế, bao bì mẫu mã sản phẩm đơn giản chưa có thương hiệu.

Chính vì thế, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, số doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít lại chưa đạt điều kiện nhà sản xuất.

Bắt đầu từ năm 2013, dựa trên việc nghiên cứu và học tập phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản và “Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP)” của Thái Lan, Quảng Ninh triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).

Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Sau 3 năm thực hiện chương trình OCOP, nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP dần được hình thành; nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm thế mạnh của địa phương được hoàn thiện theo quy chuẩn; một số sản phẩm tạo được vị thế vững chắc trên thị trường.

Đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được 180 doanh nghiệp tham gia, thực hiện 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm OCOP.

Đã có 210 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP, trong đó đã đánh giá và phân hạng 121 sản phẩm, kết quả có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao; cấp Giấy chứng nhận cho 39 sản phẩm và đang tập trung hoàn thiện các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, y tế đối với 60 sản phẩm OCOP còn lại.

Ngoài các sản phẩm hàng hóa, các sản phẩm dịch vụ cũng từng bước được hình thành như: Du lịch làng quê Yên Đức, Đông Triều, Lễ hội Hoa Sở Bình Liêu... Trong 3 năm, doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất đạt hơn 672 tỷ đồng.

Không chỉ thúc đẩy về quy mô, số lượng, năng lực tổ chức sản xuất, chương trình OCOP còn mang ý nghĩa sâu sắc là phát triển được các tổ chức sản xuất nội sinh, vốn đang là điểm thiếu và yếu của các địa phương trong nền kinh tế hiện nay.

Lý do là khởi đầu của các tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP chủ yếu là các hộ dân liên kết với nhau, trở thành nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nhỏ, vừa với quy mô sản xuất vừa phải, rồi dần dần phát triển thành doanh nghiệp tư nhân, công ty CP, tập đoàn... sản xuất ra nhiều sản phẩm, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân ở các vùng miền.

Chính vì vậy, đa phần tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP tự sinh, tự phát triển chứ không phải đầu tư từ ngoài vào, và như vậy, nông dân vẫn sở hữu đất đai của mình, mà lại nâng cao được giá trị, thu nhập.

Do đó, chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long khẳng định, đây là chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần tích cực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Việc phát triển sản phẩm đã hình thành nên các vùng sản xuất tập trung, cụ thể hóa và nâng hiệu quả quy hoạch sản xuất ngành nông nghiệp, quy hoạch ngành dược liệu, dịch vụ du lịch của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, Chương trình OCOP Quảng Ninh đã khẳng định hướng đi đúng đắn, sâu sắc, bài bản của tỉnh trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh địa phương và từng bước góp phần xây dựng thương hiệu của tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp”, ngày 2-3-2017, tại thành phố Hạ Long, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh đã đi đầu trong việc triển khai mô hình “mỗi xã, phường một sản phẩm” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phó Thủ tướng yêu cầu, cần coi trọng và lấy thị trường thế giới làm mục tiêu; nhân rộng các sản phẩm để có sức cạnh tranh lớn; lấy người dân, các hộ gia đình làm chủ thể để sản xuất tạo ra sản phẩm; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm động lực tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý mới cho các ngành nghề phát triển nông thôn; huy động các nguồn lực phát triển kinh tế phi nông nghiệp nông thôn; tuyên truyền vận động doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện chương trình này đồng thời tạo điều kiện cho nhà khoa học, nhà tư vấn tham gia vào quá trình tạo ra chuỗi giá trị cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục