"Lực đẩy" từ các hợp tác xã kiểu mới trên vùng đất mỏ

20:22' - 21/12/2016
BNEWS Theo cơ cấu truyền thống, hợp tác xã là tổ chức thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn bằng các mối quan hệ của các thành viên không hạn chế về địa bàn và pháp nhân.
Người nông dân trồng rau tại HTX rau La Hường, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho thu nhập ổn định, bình quân từ 100.000-150.000/ngày. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ ngồi ô tô, Quảng Ninh đã chào đón chúng tôi bằng những cơn gió lạnh đầu mùa thoảng vị mặn mòi nơi cửa biển.

Vùng đất mỏ ngày nào nhiều nơi chỉ có đất hoang, cỏ dại thì nay đã là những thảm rau sạch của những hợp tác xã nông nghiệp.

Điều này càng khẳng định thêm một điều, mô hình hợp tác xã kiểu mới phải chăng là một "lực đẩy" giúp kinh tế tập thể vực dậy và phát triển mạnh mẽ hơn sau một thời gian dài ngủ yên.

Nhắc đến mô hình này, trước tiên có lẽ phải nói đến thành phố Uông Bí bởi từ khi thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, đến nay tất cả các hợp tác xã ở thành phố này đã chuyển đổi và hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Nhiều hợp tác xã đã mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động, mang lại hiệu quả bước đầu cho kinh tế hợp tác xã nói riêng, kinh tế tập thể nói chung.

Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình này đang trở thành đòn bẩy, là yêu cầu tất yếu cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá.
Hợp tác xã Hương Việt tại phường Bắc Sơn, thành phố Uông Bí là một trong những mô hình tiên phong trong phong trào chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã.

Tiếp chúng tôi tại văn phòng hợp tác xã, ông Trịnh Văn Vị, Giám đốc Hợp tác xã Hương Việt cho biết, "do thị trường tràn ngập rau củ quả không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng chuyển diện tích trồng lúa sang rau sạch và hoa màu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, để có được như ngày hôm nay, các thành viên của hợp tác xã Hương Việt đã phải cùng nhau cố gắng vượt qua những khó khăn ban đầu.

Từ việc khảo sát nguồn nước, thử độ PH của đất cũng như ươm giống mới cho ra được những sản phẩm an toàn."
Giám đốc Trịnh Văn Vị cho biết thêm, tới đây, hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô và diện tích canh tác; thuê thêm đất, xây dựng thêm 4.000m2 nhà kính, nhà lưới để che rau và tuyển dụng thêm công nhân.

Cùng với đó, hợp tác xã sẽ xây dựng các khu vực sản xuất vệ tinh tại các khu dân cư trên địa bàn phường Bắc Sơn và các phường, xã phụ cận nhằm phấn đấu đạt năng suất 15 tấn/tháng và đảm bảo mức lương cho công nhân là 5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện, Hương Việt đã ký hợp đồng cung cấp rau, củ, quả cho gian hàng OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) của thành phố Uông Bí và một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Hợp tác xã Cam 10-10 tại huyện đảo Vân Đồn cũng là một trong những điểm sáng về mô hình hợp tác xã kiểu mới của tỉnh Quảng Ninh và đang dần khẳng định vai trò điểm tựa - nơi gửi gắm niềm tin của những người trồng cam trên địa bàn.

Trên cơ sở Luật Hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã Cam 10-10 đã tập trung trồng và phát triển giống cây cam, sản xuất thủ công, sản xuất và bán các loại hoa quả theo quy trình sản xuất VIETGAP.
Theo bà Lê Thị Bẩy, Giám đốc Hợp tác xã Cam 10-10, các xã viên đều phấn khởi trước những thành quả bước đầu mà hợp tác xã đạt được.

Rau sạch của HTX Ba Chữ (Đông Anh) được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, mua ngay tại ruộng. Ảnh: TTXVN

Mỗi tháng hợp tác xã tổ chức họp thường kỳ để giải quyết những vấn đề vướng mắc và đưa ra hướng sản xuất, kinh doanh trong thời gian tiếp theo. Do đó, mọi hoạt động đều diễn ra rất thuận lợi và có tính đoàn kết cao.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban Điều hành chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) Quảng Ninh cho hay, mục tiêu của OCOP là thực hiện phát triển các hình thức kinh doanh (doanh nghiệp, hợp tác xã…) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương từ xã, phường đến thị trấn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Theo cơ cấu truyền thống, hợp tác xã là tổ chức thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn bằng các mối quan hệ của các thành viên không hạn chế về địa bàn và pháp nhân.

Với cách huy động truyền thống và cũng như hiện tại, thành viên hợp tác xã là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã hoặc ngoài xã phối hợp góp vốn để sản xuất, kinh doanh đồng thời phân phối lưu thông sản phẩm ra ngoài địa bàn.

Chương trình OCOP vừa là chủ nhân công nghệ, vừa sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, và tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.

Tính đến nay, Quảng Ninh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung cấp tỉnh, quy hoạch sản xuất xuống từng huyện, từng xã.

Nhiều dự án quy hoạch  hợp tác xã trong chương trình OCOP lập các quy hoạch chi tiết, đề xuất các dự án sản xuất cụ thể và đã được phê duyệt đi vào sản xuất.

Chẳng hạn như tại huyện Đông Triều có Hợp tác xã Chất lượng cao Hoa Phong, Hợp tác xã Dược liệu xanh Đông Triều. Huyện Hoành Bồ có Hợp tác xã Mật ong Thống Nhất; huyện Vân Đồn có Hợp tác xã Cam Vạn Yên; huyện Tiên Yên có Hợp tác xã Chăn nuôi vịt Đồng Tiến…

Đại diện UBND thành phố Uông Bí cho biết, Uông Bí có nhiều sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh chọn dùng như các loại thảo dược Yên Tử, rau sạch của hợp tác xã Hương Việt.

Tuy nhiên, kinh tế hợp tác, hợp tác xã vẫn thuộc thành phần yếu thế, cả về vốn, trình độ quản lý, kinh nghiệm lẫn cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước từ bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới… đến đất đai, vốn đầu tư, vốn tín dụng, bảo lãnh tín dụng.
Tạm biệt Quảng Ninh, chúng tôi tự hứa với lòng sẽ trở về đây một ngày không xa để lại được nhìn thấy một màu xanh bạt ngàn của những ruộng rau an toàn và vườn cam sai trĩu quả ngọt.

Hy vọng rằng với việc dồn sức, dồn lực, khu vực kinh tế tập thể tại Quảng Ninh sẽ phát huy hết tiềm năng, lợi thế và tạo sức mạnh tổng hợp từ phát triển mô hình chuỗi để các sản phẩm nơi đây được vươn xa và hội nhập sâu với nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục