SEA Games 31: Kỳ đại hội thể thao an toàn, công bằng và ấn tượng

09:27' - 23/05/2022
BNEWS Ngày thi đấu cuối cùng của SEA Games 31 (22/5) đã khép lại bằng trận chung kết bóng đá nghẹt thở giữa hai đội U23 của Việt Nam và Thái Lan với thắng lợi đầy thuyết phục của các cầu thủ áo đỏ.

Kỳ SEA Games thứ hai do Việt Nam đăng cai tổ chức được đánh giá là thành công về mọi mặt và để lại ấn tượng tốt đẹp cho các đoàn tham dự cùng người dân nước chủ nhà.

* Việt Nam – điểm đến an toàn

Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 - SEA Games 31 (từ ngày 12/5 đến ngày 23/5/2022) được tổ chức thành công tại 12 tỉnh, thành phố là minh chứng cho thấy, Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt trên quy mô toàn cầu.

 

Sau gần hai năm kiên cường chống chọi với dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra, Việt Nam từ bỏ mục tiêu "Zero COVID-19" tính từ ngày 11/10/2021, khi Chính phủ ra Nghị quyết 128/NQ-CP về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Đây được coi là sự thay đổi bước ngoặt trong phòng, chống dịch. Cơ sở quan trọng để Việt Nam từ bỏ chiến lược "Zero COVID-19" (không còn áp dụng các biện pháp truy vết triệt để, phong tỏa chặt, cách ly tập trung) là nguồn lực vaccine rất mạnh. Đến ngày 11/10/2021, tại Việt Nam có hơn 55,2 triệu liều vaccine đã được tiêm, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 39 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 16 triệu liều.

Còn đến ngày 14/5/2022, tức sau khi SEA Games 31 khai mạc 2 ngày, Việt Nam đã tiêm được gần 217 triệu liều vaccine, trong đó dành cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 97 triệu liều; dành cho trẻ từ 12-17 tuổi là hơn 17,4 triệu liều; dành cho trẻ từ 5-11 tuổi là xấp xỉ 2,4 triệu liều.

Các hãng truyền thông quốc tế đánh giá cao quyết tâm tổ chức SEA Games 31 từ phía chủ nhà Việt Nam, cũng như mức độ an toàn của Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021.

Mạng tin Yahoo nêu rõ, trong 2 năm qua dịch COVID-19 đã khiến nhiều nước phải hoãn hay hủy bỏ các giải đấu thể thao và Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 cũng có thời điểm đứng trước nguy cơ tương tự. Song nước chủ nhà Việt Nam đã và đang làm tất cả những gì tốt nhất để đảm bảo SEA Games 31 diễn ra một cách an toàn nhưng vẫn mang đậm tinh thần thể thao.

Báo Straits Times của Singapore đăng bài viết, nhấn mạnh: SEA Games trở lại Việt Nam sau gần 20 năm. Đây là kỳ SEA Games đầu tiên sau đại dịch COVID-19. Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có những bước tiến tự tin để trở lại trạng thái bình thường mới.

Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với 20.000 khán giả trong Lễ khai mạc và 40.000 người hâm mộ trong trận chung kết bóng đá nam Việt Nam – Thái Lan, cũng như các khán đài luôn kín chỗ trong những nội dung thi đấu khác cho thấy, người dân Việt Nam lạc quan, tin tưởng vào cách thức chống dịch COVID-19 của Chính phủ, đón nhận đầy đủ niềm vui cuộc sống.

* SEA Games công bằng, cao thượng

SEA Games 31 là một đại hội thể thao khác biệt so với các kỳ đại hội trước - trong tổng số 40 môn thể thao với 523 nội dung thi đấu được tổ chức ở Việt Nam có tới 25 môn Olympic, 12 môn ASIAD (Đại hội Thể thao châu Á) và 3 môn thể thao Đông Nam Á. Việt Nam tổ chức tất cả các môn theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế và không hạn chế nội dung thi đấu nào.

Như vậy, Việt Nam không đưa thế mạnh của mình vào SEA Games 31 cũng như hạn chế thế mạnh của các quốc gia khác. Có thể coi đây là một trong những đại hội thể thao sòng phẳng nhất của SEA Games từ trước đến nay.

Cách làm cao thượng, công bằng của Việt Nam là bước đi quan trọng góp phần thay đổi cách thức, định hướng tổ chức cho các đại hội thể thao của khu vực tiếp theo, nhằm nâng cao thành tích, chất lượng của thể thao khu vực, dần rút ngắn khoảng cách với châu lục, thế giới.

SEA Games 31 được tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Có 11 đoàn thể thao tham dự với 5.467 vận động viên, trong đó Brunei có 23 vận động viên, Campuchia - 363, Indonesia - 508, Lào - 291, Malaysia – 591, Myanmar - 305, Philippines - 643, Singapore - 485, Thái Lan - 892, Timor-Leste - 69, Việt Nam - 965.

Ban tổ chức SEA Games 31 đã tiến hành hội nghị truyền thông quốc tế vào ngày 21/5 nhằm tổng kết, đánh giá về công tác tổ chức. Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Tất cả các cuộc thi đấu tại SEA Games 31 diễn ra công bằng, khách quan, cao thượng.

Không chỉ các môn Olympic với các quy định, điều luật rõ ràng, mà cả các môn chấm bằng cảm tính như nhiều môn võ cũng không ngoại lệ. Lãnh đạo các đoàn thể thao nước ngoài hài lòng với công tác tổ chức chuyên môn của chủ nhà Việt Nam. Để vận hành 40 môn thi của SEA Games 31 đều có đội ngũ trọng tài, giám sát của Liên đoàn Đông Nam Á và liên đoàn châu Á của môn thể thao đó.

* Thành tích ấn tượng của Việt Nam

Tính đến cuối ngày 22/5, Đoàn Thể thao Việt Nam giành được 206 Huy chương Vàng, 125 Huy chương Bạc, 116 Huy chương Đồng (tổng cộng 447 huy chương), vững vàng chiếm vị trí thứ nhất toàn đoàn ở bảng tổng sắp huy chương. Đoàn xếp thứ hai là Thái Lan với 92 Huy chương Vàng, 103 Huy chương Bạc, 136 Huy chương Đồng (331 huy chương).

Đặc biệt, đoàn Việt Nam đã sớm vượt chỉ tiêu đặt ra từ trước là 140 Huy chương Vàng khi SEA Games 31 vẫn còn 4 ngày thi đấu. Cuối cùng, các vận động viên Việt Nam đã thiết lập cột mốc mới về số Huy chương Vàng giành được ở một kỳ SEA Games – 206 Huy chương Vàng. Indonesia từng giữ kỷ lục là giành được 194 Huy chương Vàng tại kỳ đại hội thể thao trên sân nhà vào năm 1997.

Điều đáng chú ý là thể thao Việt Nam đạt được thành tích cao không chỉ trong các môn võ, vật sở trường, mà cả trong các môn “thể thao vua” – bóng đá, “thể thao nữ hoàng” – điền kinh và “thể thao đặc biệt”, môn thể thao truyền thống của Olympic – bơi lội.

Trong bóng đá, đội tuyển nữ Việt Nam giành Huy chương Vàng vào tối 21/5, còn các nam cầu thủ U23 của chúng ta đoạt ngôi vô địch vào tối 22/5.

Về điền kinh, mặc dù thiếu vắng “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh do bị chấn thương, các vận động viên của Việt Nam vẫn giành được 22 Huy chương Vàng, bỏ xa “kỳ phùng địch thủ Thái Lan” (12 Huy chương Vàng). Ở một số nội dung thi đấu, các chân chạy của Việt Nam chiếm ưu thế tuyệt đối khi giành cả Huy chương Vàng và Bạc với thành tích cao hơn hẳn các đối thủ.

Tiến sĩ Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục Thể thao), cho biết: Thành tích của thể thao Việt Nam nói chung và điền kinh Việt Nam nói riêng ở đại hội lần này là do thực lực, không phải nhờ tận dụng ưu thế chủ nhà.

Về bơi lội, việc “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên giải nghệ làm giảm thành tích của các vận động viên nữ, song bù lại, các kình ngư nam đã vươn lên mạnh mẽ. Đội bơi mang về cho Việt Nam 11 tấm Huy chương Vàng danh giá, chỉ sếp sau các vận động viên Singapore – cường quốc về thể thao dưới nước trong khu vực.

Tiểu ban Chuyên môn kỹ thuật SEA Games 31 đã lựa chọn 4 gương mặt tiêu biểu để đề cử vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 31. Trong 4 gương mặt này, thể thao Việt Nam có 2 ứng cử viên là tuyển thủ bơi lội Nguyễn Huy Hoàng và tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Vận động viên Nguyễn Thị Oanh giành 3 Huy chương Vàng cá nhân, còn tay bơi Nguyễn Huy Hoàng đoạt 4 Huy chương Vàng cá nhân, 1 Huy chương Vàng đồng đội, phá 2 kỷ lục SEA Games.

* Thế mạnh chủ nhà chính là người hâm mộ

Sự cổ vũ của người thân, khán giả nhà chính là thế mạnh của các vận động viên Việt Nam để họ thi đấu hết mình trước các đối thủ và đạt thành tích cao nhất.

Cầu thủ Nguyễn Tiến Linh của đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam sau trận thắng Thái Lan đã cảm kích nói lời cảm ơn đối với người hâm mộ. Anh cho biết, cảm giác thi đấu ở sân nhà với sự hò reo, khích lệ của 40.000 khán giả và cả rừng cờ đỏ sao vàng, rất khác so với đá trên sân khách.

Cả đời tuyển thủ may mắn lắm cũng chỉ có một lần được đá trận chung kết tại sân nhà trong khuôn khổ SEA Games. Bởi vậy, các cầu thủ đều ra sân với nỗ lực gấp đôi, gấp ba bình thường.

Với bộ môn wusshu ở nội dung tán thủ, kể từ năm 2003 điều thần kỳ mới lặp lại vào ngày 15/5/2022 - trong tất cả 6 trận chung kết tại một kỳ SEA Games các võ sỹ của chúng ta đều thắng giòn giã. Người “mở hàng” may mắn là Ngô Phương Nga, cô gái Hà Nội mảnh dẻ đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng ở hạng cân 52 kg.

Còn ở môn thể dục dụng cụ, chàng trai sinh năm 1995 Đinh Phương Thành giành được 3 Huy chương Vàng và một Huy chương Đồng, bất ngờ vượt mặt cả nhà vô địch thế giới người Philippines Carlos Yulo ở nội dung xà kép.

Hai vận động viên Việt Nam này cho biết, trong các yếu tố giúp họ thi đấu xuất thần phải kể đến sự hiện diện trên khán đài của gia đình và người hâm mộ nước nhà.

Ông Đặng A, cán bộ kiểm lâm, cùng người vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, từ Đồng Nai ra Hà Nội một tuần chỉ để hưởng ứng SEA Games 31. Ông Đặng A tâm sự: Đang mùa mưa, nguy cơ cháy rừng giảm, tôi tranh thủ nghỉ phép với chủ đích đi xem các trận đấu càng nhiều càng tốt và ủng hộ các vận động viên nước nhà.

Trong các hoạt động có tính gắn bó cộng đồng cao, củng cố niềm tự hào dân tộc một cách trực diện và mạnh mẽ, theo tôi, không thể thiếu các sự kiện thể thao quốc tế có tính cạnh tranh quyết liệt như SEA Games./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục