Shopify - “vị cứu tinh” của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Mỹ

07:09' - 03/03/2022
BNEWS Rất nhiều công ty trước đây chưa từng sử dụng ứng dụng bán hàng trực tuyến, song giờ đây, phương thức bán hàng này dường như là cách duy nhất để họ có thể tồn tại.

Đại dịch COVID-19 hoành hành đã khiến doanh nghiệp buộc phải đa dạng hóa phương thức hoạt động để thích ứng với bối cảnh “bình thường mới”. Rất nhiều công ty trước đây chưa từng sử dụng ứng dụng bán hàng trực tuyến, song giờ đây, phương thức bán hàng này dường như là cách duy nhất để họ có thể tồn tại.

Giống như việc ứng dụng nhóm họp trực tuyến Zoom (Mỹ) giúp các công ty "sống sót" trong những ngày đầu của đại dịch, nền tảng thương mại điện tử Shopify (Canada) được coi là "vị cứu tinh" đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mới “chập chững” bước vào lĩnh vực bán hàng trực tuyến.

Con đường trở thành “đế chế” thương mại điện tử

Shopify cho phép người dùng tạo website bán hàng với đầy đủ các công cụ hỗ trợ đa năng và dễ sử dụng, từ tạo tên miền, thiết kế giao diện cửa hàng trực tuyến, đến quản lý đơn hàng và quảng cáo trên Google, Facebook hay Tiktok.

Các giải pháp của Shopify được thiết kế nhằm giúp cho bất cứ ai cũng có thể phát triển kinh doanh online, cho dù họ trước đó không hề có một chút kiến thức nào về website hay lập trình.

 

Sau hơn 15 năm hoạt động, công ty công nghệ này đã dần có được chỗ đứng trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu. Các công ty lớn sử dụng Shopify để mở rộng kênh bán hàng còn những SME thì tìm đến Shopify vì sự đơn giản và linh hoạt của các gói dịch vụ mà công ty Canada này cung cấp.

Shopify đã cung cấp giải pháp cho chuỗi bán lẻ khổng lồ như Staples và Chipotle Mexican Grill, hay cả những hãng mỹ phẩm “nổi đình đám” của các ngôi sao hàng đầu như Kylie Jenner, Taylor Swift, Lady Gaga.

Tuy nhiên, tác động đáng chú ý nhất của Shopify chính là việc nền tảng này mở ra con đường kinh doanh cho các công ty khởi nghiệp, những nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội hay còn gọi là “influencer” (người gây ảnh hưởng), các doanh nhân với những ý tưởng độc đáo nhưng nguồn vốn hạn chế.

Và khi hàng tỷ người tiêu dùng trên toàn thế giới phải sử dụng dịch vụ trực tuyến trong bối cảnh các quốc gia phải áp dụng biện pháp hạn chế đi lại để phòng dịch, các doanh nghiệp lớn nhỏ đều nhanh chóng đưa sản phẩm lên các cửa hàng trực tuyến và gia tăng sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử giúp doanh thu của công ty trong năm 2020 tăng vọt lên 2,9 tỷ USD, cao hơn 86% so với năm 2019. Giá trị vốn hóa của Shopify tính đến cuối tháng 12/2021 đạt 177 tỷ USD.

Theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, Shopify đang đứng đầu thị trường Canada. Tại Mỹ, Shopify chiếm 8,6% doanh số bán hàng thương mại điện tử trong năm 2020, xếp sau Amazon với 39% nhưng đứng trước hai “ông lớn” khác là nhà bán lẻ Walmart và trang đấu giá trực tuyến eBay.

Thách thức trong tương lai

Vào tháng 5/2020, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Shopify, Tobi Lütke, đã đưa ra một quyết định “táo bạo”. Đó là chấm dứt hợp đồng thuê tất cả các văn phòng của Shopify, bao gồm cả trụ sở chính ở Ottawa và 6 văn phòng tại các thành phố khác.

Ông Lütke tuyên bố toàn bộ nhân viên gồm 7.000 người của công ty sẽ làm việc trực tuyến “mãi mãi”. Vị Giám đốc này giải thích, Shopify - cũng như các nhân viên và khách hàng của mình hiện đã có mặt ở khắp nơi.

Khi “ánh hào quang” của Zoom hay Peloton (công ty kinh doanh thiết bị tập thể dục) cùng những cái tên khác nổi lên trong đại dịch bắt đầu phai nhạt, Shopify đang nỗ lực để duy trì động lực tăng trưởng hậu COVID-19. 

Mới đây, công ty đã thúc đẩy các chương trình dành cho các "influencer", mở một trung tâm dành cho doanh nhân ở Manhattan, và triển khai một tính năng cho phép người dùng bán các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số.

Khi các mắt xích của chuỗi cung ứng đang bị gặp trục trặc, đặc biệt trong khâu vận chuyển, các nhà bán lẻ đều gặp khó khăn trong việc đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay khách hàng.

Đó cũng là khía cạnh mà Shopify “lép vế” với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Amazon, vốn có lợi thế là mạng lưới hậu cần rộng khắp, dịch vụ vận chuyển riêng biệt và khoảng 930 nhà kho trên khắp thế giới.

Mặt khác, việc các hãng công nghệ như Apple và Google bị buộc phải thay đổi chính sách về sử dụng dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng, quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội sẽ trở nên đắt và kém hiệu quả hơn. Điều này sẽ thu hẹp khả năng tiếp cận khách hàng của các SME nói chung và mô hình quảng cáo của Shopify nói riêng.

Trong khi đó, theo nguồn tin của Bloomberg, kể từ cuối năm 2017, các cựu giám đốc điều hành của Amazon cho biết họ đã làm việc trong một dự án cho phép các nhà bán lẻ điều hành trang web độc lập ngoài Amazon. Đây có thể là thách thức lớn đối với tương lai của Shopify và các nền tảng cung cấp hạ tầng website tương tự./.

>>>Những doanh nghiệp chịu thiệt hại nhiều nhất từ căng thẳng Nga-Ukraine

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục