Chính quyền Mỹ có nên kiểm soát hoạt động đầu tư của các công ty ra nước ngoài?

06:30' - 28/02/2022
BNEWS Việc thành lập một cơ quan mới nhằm bảo vệ nền kinh tế của Mỹ khỏi các quốc gia không tuân thủ các quy tắc có thể là giải pháp sai lầm mà không thể giải quyết được vấn đề đầu tư ra nước ngoài.
Theo bài viết của tác giả James Edwards đăng trên trang mạng Real Clear Markets, việc thành lập một cơ quan mới nhằm bảo vệ nền kinh tế của Mỹ khỏi các quốc gia không tuân thủ các quy tắc là giải pháp sai lầm mà không thể giải quyết được vấn đề.

Trao quyền cho các quan chức không qua bầu cử quyết định liệu các công ty Mỹ có thể đầu tư ra nước ngoài sẽ không thể ngăn chặn Trung Quốc, mà thậm chí còn làm tổn hại nền kinh tế Mỹ và đẩy Mỹ vào một vòng xoáy trả đũa mạnh mẽ với các quốc gia khác.

Quốc hội Mỹ nên tập trung vào việc đảm bảo chuỗi cung ứng cho các hàng hóa quan trọng. Nước Mỹ phải tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc và các đối thủ khác, tuy nhiên, giải pháp phải được thiết kế cẩn thận đối với từng đối tượng và phải tập trung vào khuyến khích đổi mới ở trong nước.

Tuy nhiên, Dự luật Cạnh tranh (H.R. 4521) mới được được Hạ viện Mỹ thông qua, đã làm điều ngược lại và sẽ tạo ra các rào cản mới đối với đầu tư và cuối cùng làm suy yếu sự đổi mới của nước Mỹ.

Trao quyền lực về kiểm soát đầu tư nước ngoài cho những quan chức không qua bầu cử mà không thể kiểm soát và không có giới hạn hoặc quy tắc rõ ràng sẽ làm tổn thương các công ty trong nước. Dự luật Cạnh tranh bao gồm điều khoản lập ra Ủy ban về Năng lực Thiết yếu Quốc gia (CNCC), bao gồm các quan chức từ văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và ít nhất 11 cơ quan chính phủ khác.

Các quan chức này có nhiệm vụ rà soát các giao dịch nước ngoài của các công ty Mỹ để đảm bảo các công ty này không thuê các công ty ở các nước đối thủ thực hiện các chức năng quan trọng của Mỹ. 

Các công ty sẽ phải chuyển bất kỳ giao dịch nào mà "có thể dẫn đến rủi ro không thể chấp nhận đối với năng lực quan trọng quốc gia" tới CNCC để xin phê duyệt trước khi thực hiện. Tuy nhiên, Dự luật không xác định rõ khái niệm "rủi ro không thể chấp nhận được", mà chính CNCC sẽ quyết định điều này thông qua đánh giá của mình.

Ngoài ra, CNCC phải phê duyệt bất kỳ giao dịch nào liên quan đến một công ty "chuyển dịch thiết kế, phát triển, sản xuất, chế tạo, cung cấp, bảo dưỡng, thử nghiệm, quản lý, vận hành, đầu tư, quyền sở hữu hoặc bất kỳ yếu tố thiết yếu nào khác liên quan đến một hoặc nhiều khả năng quan trọng của Mỹ sang một quốc gia, hay thực thể khác mà Mỹ lo ngại".

Quy tắc quá rộng này có thể áp dụng cho hầu hết mọi giao dịch trong một số ngành công nghiệp, bao gồm cả việc sửa chữa nhỏ hoặc thử nghiệm sản phẩm cơ bản.  Thay vì nhắm mục tiêu cẩn thận vào các giao dịch ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, biện pháp này chắc chắn sẽ bao trùm lên các hoạt động kinh doanh thông thường.

Tầm bao quát lớn của quy tắc này kết hợp với việc thiếu quy định chi tiết sẽ khiến các công ty rơi vào tình trạng khó khăn vì không có quy định hoạt động rõ ràng đối với CNCC. Dự luật không cho biết liệu các công ty có phải gửi thông tin cho CNCC trước hoặc sau khi hoàn thành một giao dịch hay không hoặc làm thế nào để khiếu nại các quyết định của CNCC.

Đáng ngại hơn là không có mốc thời gian nào được áp đặt để CNCC phải hoàn thành quá trình phê duyệt một giao dịch. Thật dễ dàng để tưởng tượng một công ty nộp giấy tờ cho một vụ mua lại quan trọng, hoặc thậm chí chỉ là một giao dịch kinh doanh thông thường, song không thành công chỉ vì CNCC kéo dài quá trình phê duyệt, hoặc vì CNCC bị quá tải bởi khối lượng giao dịch phải phê duyệt quá lớn.

Các thủ tục hành chính không thể đoán trước sẽ khiến các doanh nghiệp không dám tham gia vào các giao dịch thông thường vì sợ bị lạc trong các quy định của CNCC. Thay vì đóng vai trò xây dựng trong một nền kinh tế sôi động có thể phản ứng nhanh chóng với sự hiếu chiến của Trung Quốc, Mỹ có thể sẽ bóp nghẹt sự đổi mới với việc thành lập CNCC.

Không ai muốn ngăn chặn các công ty Mỹ đầu tư ra nước ngoài, nhưng CNCC sẽ có một hiệu ứng làm mọi người nản lòng ngoài ý muốn.

Các quốc gia khác sẽ không ngồi yên trong khi Mỹ không còn sự năng động về kinh tế nữa. Trong lịch sử, các chính quyền Mỹ đã không thực hiện các hạn chế về nơi các doanh nghiệp Mỹ có thể đầu tư vì các khoản đầu tư này có lợi cho nước Mỹ nói chung. Nhưng việc thành lập CNCC có thể tạo ra một sự thay đổi đối với mô hình này.

Nếu các quốc gia khác bắt đầu hạn chế đầu tư trong nước, tình hình sẽ nhanh chóng chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ. Kết quả không thể tránh khỏi là một nền kinh tế toàn cầu tách biệt và kém sôi động hơn.

Vào năm 2018, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã xem xét một dự luật tương tự, song đã loại bỏ kế hoạch này khi nhìn thấy rõ là dự luật sẽ không hiệu quả. Ngày nay, Quốc hội nên nhìn vào hành động đó và bác bỏ dự luật này bởi vì nó sẽ nhấn chìm các doanh nghiệp Mỹ trong các quy định hành chính phức tạp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục