Siết chặt quản lý để kiểm soát vi phạm qua thương mại điện tử

15:21' - 16/01/2023
BNEWS Năm 2023 Cục sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật các quy định mới và thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử, đẩy mạnh phối hợp thanh tra, kiểm tra.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động thương mại điện tử, năm 2023 Cục sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các quy định mới và thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử, đẩy mạnh phối hợp thanh tra, kiểm tra.

 

Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính có phương án, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nói riêng và hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nói chung, tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Đồng thời, tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Cục tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông và các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị chấp hành pháp luật về thương mại điện tử theo Kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và các chuyên đề đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ.

Đặc biệt, Cục sẽ tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.

Mặt khác, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử; Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. 

Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và Tổng Cục về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả.

 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường; tổ chức các hội thảo, hội nghị về công tác chống hàng giả; nâng cao trách nhiệm của các chủ sở hữu website thương mại điện tử với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Năm 2022, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. 

Theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, năm 2022 doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Với mục tiêu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, trong năm, Cục đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, chủ trì thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại điện tử đối với 8 đơn vị theo kế hoạch năm 2022 và đã xử phạt vi phạm hành chính 222 triệu đồng.

Cùng với đó, Cục đã phối hợp với các Sở Công Thương tổ chức 63 lớp đào tạo, tập huấn tại 40 tỉnh, thành phố với gần 8.000 học viên; phối hợp với Amazon Global Selling tổ chức 9 lớp đào tạo trong chuỗi sự kiện “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” tại 7 tỉnh, thành phố với gần 2.000 đại biểu tham gia nhằm phổ biến kiến thức về thương mại điện tử cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tận dụng thương mại điện tử để bứt phá kinh doanh.

Cũng trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục xây dựng và phát hành ấn phẩm Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, cập nhật các các văn bản pháp luật mới có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử. Ấn phẩm là tài liệu tham khảo hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách và doanh nghiệp trong việc định hướng sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Cục đã tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, mở ra cơ hội kết nối cho doanh nghiệp trong khối ASEAN; thông qua Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN – ASEAN Online Sale Day 2022 đã có sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp ở đa dạng các lĩnh vực tại 10 quốc gia thuộc ASEAN cung cấp dịch vụ, hoạt động mua sắm cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đáng lưu ý, thông qua việc phát động chương trình “Bệ phóng thương mại điện tử Tây Nguyên” với mục tiêu đào tạo về thương mại điện tử chuyên sâu cho hơn 1.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên.

Ngoài ra, Cục tiếp tục phát triển giải pháp đào tạo trực tuyến (MOOC), cung cấp công cụ đào tạo từ xa, hỗ trợ phát triển nền tảng thương mại điện tử và kinh tế số cho các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, người lao động và các đối tượng khác có nhu cầu...

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, về giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử, Cục đã chủ động và tích cực phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về thương mại điện tử; đào tạo tập huấn nghiệp vụ về thuong mại điện tử, kỹ năng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cho các cán bộ quản lý thị trường ở các địa phương.

Thực hiện Quyết định số 3304/QĐ-BCT và Quyết định số 2981/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, Cục đã phối hợp Tổng cục xử lý nhiều vụ việc lớn như Ansancosmetics.com, phuonghahamnghi.vn, myphamcuaphung.com, taga.vn, youmefashion.vn, vutru.vn; phutunganhem.com…

Phát hiện và tạm/thu giữ hơn hàng trăm ngàn đơn vị hàng nước hoa, túi xách, thắt lưng, ví, giầy, quần áo, thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và rượu, phụ tùng xe máy…, do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam và không có hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định.

Hàng năm, Cục còn phối hợp với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Tổng cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương địa phương, Trường đào tạo Bồi dưỡng cán bộ công thương Trung ương đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng quản lý thị trường với trên 1.500 lượt cán bộ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục