Siết kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo

13:20' - 02/11/2017
BNEWS Tiếp tục chương trình thảo luận tại hội trường, sáng 2/11, đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018...

Tiếp tục chương trình thảo luận tại hội trường, sáng 2/11, đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, cũng như tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

* Tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, đơn vị

Tình trạng thiếu kỷ luật, kỷ cương, “nói không đi đôi với làm” trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước của các cấp, tiếp tục được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, kỷ luật hành chính chưa nghiêm thể hiện ở nhiều lĩnh vực, từ công tác tổ chức cán bộ, tài chính ngân sách đến quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản… xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành. Đây là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân" làm cho nền hành chính trì trệ và kém hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhấn mạnh, muốn có một nền hành chính trong sạch, vững mạnh thì kỷ luật, kỷ cương hành chính phải nghiêm. “Nếu như năm 2017, Báo cáo của Chính phủ nêu kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm thì Chính phủ phải có biện pháp khắc phục để cuối năm 2018, khi báo cáo về nội dung này, cử tri mong muốn Chính phủ báo cáo rằng kỷ luật, kỷ cương hành chính đã nghiêm”, đại biểu Nguyễn Thái Học chỉ rõ đồng thời đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần giao nhiệm vụ này cho Chính phủ thực hiện, tăng cường công tác giám sát của Quốc hội vì đây là hạn chế kéo dài, chậm khắc phục dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực.

Cùng chung băn khoăn về sức ỳ của nền hành chính, kẻ thù của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) lấy dẫn chứng: Báo cáo của Chính phủ về tình hình xử lý các vụ việc sai phạm trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, trong đó nêu quy trình xử lý gồm: Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng đến Bộ Nội vụ, sau đó Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra, rà soát báo cáo Thủ tướng.

Tiếp đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị UBND tỉnh, cơ quan xem xét, xử lý rồi Bộ Nội vụ ban hành văn bản đề nghị UBND tỉnh, người đứng đầu các cơ quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Cuối cùng, UBND tỉnh và các cơ quan tiến hành xử lý, giải quyết. Đại biểu Ngô Trung Thành đánh giá, quy trình các bước rõ ràng nhưng liệu có hợp lý, có thể hiện được tinh thần cải cách hành chính.

“Qua 7 vụ việc được nêu trong báo cáo cho thấy có 6 vụ việc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, 1 vụ việc thuộc thẩm quyền cấp tổng cục và không có vụ việc nào phải lên đến Thủ tướng. Đối với các vụ việc như vậy, theo pháp lệnh hiện hành, để xử lý lẽ ra chỉ cần một, tối đa là hai bước, cụ thể chỉ cần các cơ quan thực hiện đúng thẩm quyền, khi sự việc xảy ra thì trực tiếp xử lý ngay; trường hợp không xử lý kịp thời thì mới cần thêm bước nữa là sự kiểm tra, thanh tra của cấp trên trực tiếp.

Vậy tại sao các vụ việc nêu trên cứ phải diễn ra như vậy? Nếu dư luận, báo chí không nêu, liệu các vụ việc này có được phát hiện và liệu còn có bao nhiêu vụ việc chưa được phát hiện. Tại sao các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trực tiếp không tự mình kịp thời xem xét xử lý mà phải đợi khi có yêu cầu từ trên xuống”, đại biểu Thành băn khoăn.

Từ thực tế này, đại biểu Ngô Trung Thành kiến nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy, tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu các cơ quan; chấm dứt tình trạng trên "nóng", dưới "lạnh", cấp dưới cứ ỳ ra đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên, cấp trên lo thay công việc cấp dưới, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, tạo sức ép buộc cấp dưới chủ động thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

* Xem xét lại quy trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Vấn đề khám chữa bệnh, bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được các đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên - Huế), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)… phân tích kỹ lưỡng trong phiên thảo luận.

Các đại biểu Quốc hội nêu rõ, không thể phủ nhận sự cố gắng của ngành y tế và bảo hiểm xã hội trong việc giải quyết những vướng mắc phát sinh thời gian qua, khi có rất nhiều thay đổi chính sách y tế mới chính thức được áp dụng. Rất nhiều cuộc họp, hội thảo, khảo sát đã được tiến hành để tìm ra được hướng đi ổn định, lâu dài với mục đích cao nhất là chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm y tế trong hoàn cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Lân Hiếu phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), vấn đề này còn tồn tại nhiều bất cập. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phân tích, hiểu một cách đơn giản, đầu vào ngành y tế gồm thuốc, vật tư, thiết bị để phục vụ cho việc khám chữa bệnh; đầu ra chính là kết quả khám chữa bệnh, thước đo rõ ràng nhất chính là sự hài lòng của người bệnh và ở giữa là cán bộ, nhân viên y tế.

Muốn hệ thống này vận hành trơn tru, không gây lãng phí, trục lợi bảo hiểm y tế, chỉ cần tác động đến đầu vào và khâu giữa, bảo hiểm xã hội sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn, bởi hiện nay đa số tiền của quỹ bảo hiểm chi trả cho thuốc và vật tư y tế.

Đồng thời, đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, tránh bất cập, làm mất công sức người bệnh, lãng phí quỹ bảo hiểm y tế. “Ví dụ, những bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường, chúng ta không nên quy định khám mỗi tháng một lần.

Vì như vậy, rất nhiều xét nghiệm thường quy cần kiểm tra 6 tháng, thậm chí 1 năm, nếu thực hiện 1 tháng 1 lần sẽ gây tốn kém cho bệnh nhân và quỹ bảo hiểm y tế, quá tải bệnh viện. Hay như bệnh nhân đang dùng thuốc mà mỗi tháng phải thay thuốc với lý do rất lãng xẹt “thuốc bảo hiểm y tế đợt này chỉ thầu có vậy” rất dễ gây bức xúc cho dư luận”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu lý giải.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, khâu giữa là khó nhất vì liên quan trực tiếp đến người tạo ra sản phẩm đầu ra. Để cải thiện khâu này, cần nâng cao chất lượng nhân viên y tế, tạo điều kiện cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn, bảo đảm thu nhập cho nhân viên y tế bởi nếu cứ vừa làm vừa lo thiếu phương tiện, thuốc men, lo chậm trả lương, lo người nhà bệnh nhân có thể hành hung… như hiện nay thì không “từ mẫu” nào có thể yên tâm làm việc được.

Song song với đó, cần nâng cao kiến thức, tái đào tạo nhân viên toàn bộ hệ thống bởi chỉ như vậy mới hạn chế được những chỉ định, những phương pháp điều trị lãng phí, lạc hậu, gây nguy hiểm cho người bệnh.

Đồng thời, cần có chế độ kiểm tra, giám sát minh bạch nhân viên y tế; cần có những hội đồng y khoa độc lập hoàn toàn với bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội để xem xét những tranh cãi về cách thức tiến hành chỉ định phương pháp điều trị là đúng hay sai.

* Sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh một số loại hình vận tải

Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) đánh giá: Nếu so sánh báo cáo về an toàn giao thông của Chính phủ với các năm trước thì báo cáo năm nay đã có sự tổng hợp, phân tích khá đầy đủ, toàn diện.

Tuy nhiên, cử tri còn rất băn khoăn về tình trạng tai nạn giao thông diễn biến bất thường và thiếu bền vững. Số liệu thống kê cho thấy, tai nạn giao thông giảm nhưng có nơi số vụ tăng lên 77% so với cùng kỳ, số người chết tăng 50%, người bị thương tăng trên 100%.

Tai nạn giao thông năm 2017 giảm, nhưng xảy ra 67 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết 211 người, bị thương trên 200 người. Riêng tháng 10/2017 đã xảy ra 1.800 vụ, làm chết 700 người, bị thương gần 1.500 người. Như vậy, mỗi ngày có 23 người sáng thức dậy ra đường và ra đi mãi mãi; 50 người đi làm, chiều không được về nhà ngay mà phải vào bệnh viện, đồng thời, mỗi ngày có khoảng 70 gia đình phải chịu mất mát thiệt thòi, con mất mẹ, vợ mất chồng, ông bà mất cháu, xã hội phải gánh chịu tác động hết sức nặng nề cho hiện tại và cả thế hệ mai sau do tai nạn giao thông gây ra.

Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải còn nhiều bất cập, quy định điều chỉnh hoạt động này chưa được ban hành kịp thời. Một trong những nguyên nhân là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa triệt để; điều kiện về kinh doanh vận tải chậm sửa đổi…

“Hàng loạt bất cập nổi lên như xe sử dụng công nghệ Uber, Grab cho thực hiện đến năm thứ ba, thời gian gần đây báo chí liên tục đăng tải nhưng cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương vẫn chưa thể hiện chính kiến mà cho địa phương tự thực hiện, thời gian thí điểm quá kéo dài. Số lượng xe chạy Uber, Grab đã lên tới hơn 50.000 xe hay như xe ô tô chạy bằng điện, xe bốn bánh gắn động cơ lưu thông ở nhiều địa phương, nhiều khu du lịch, gây nguy hiểm nhưng vẫn chưa có quy định về điều kiện kinh doanh”, đại biểu Dương Minh Tuấn dẫn chứng.

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn, trong thời gian chưa có điều kiện sửa luật, Chính phủ phải sửa đổi, bổ sung ngay Nghị định về điều kiện kinh doanh của một số loại hình kinh doanh vận tải và giảm bớt các thủ tục không cần thiết. Bộ Giao thông Vận tải phải thể hiện chính kiến của mình về sự tồn tại hay không tồn tại của loại hình kinh doanh vận tải bằng công nghệ Uber, Grab.

Bên cạnh những giải pháp, nhiệm vụ thường xuyên, đại biểu đề nghị hoàn thiện về quy định xử phạt qua camera thiết bị giám sát hành trình hoặc xã hội hóa việc cung cấp chứng cứ chứng minh vi phạm giao thông.

* Quan tâm phát triển nguồn nhân lực

Tại phiên thảo luận sáng 2/11, các vấn đề xã hội liên quan đến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm; hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh; chất lượng nguồn nhân lực… được các đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) mổ xẻ, phân tích.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Phạm Tất Thắng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, 2 chỉ tiêu về nhân lực trong 13 chỉ tiêu đều đạt nhưng Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về chất lượng. Cụ thể, chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị thấp hơn 4%, tuy nhiên trong số 1,12 triệu lao động thất nghiệp thì thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 chiếm hơn nửa (51,3%), trong đó 1/3 có trình độ cao đẳng trở lên.

Khi so sánh số người thất nghiệp, số thanh niên thất nghiệp, số lao động có trình độ cao đang thất nghiệp, có thể thấy thực tế nền kinh tế có thể không tạo ra nhiều việc làm mới hoặc tạo ra những thanh niên chưa có tay nghề, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Trong khi đó, nếu xem xét con số lao động có trình độ cao thất nghiệp thì có thể nhận định kinh tế vẫn đang phát triển theo hướng gia công, chế biến là chủ yếu, cần nhiều lao động phổ thông, ít cần đến lao động có trình độ cao. Con số này cũng chỉ ra, đào tạo chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, kỹ năng không đáp ứng được thị trường lao động.

Với chỉ tiêu lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế ước đạt 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt mức chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 22,5%. Tuy vậy, nhìn vào chỉ tiêu này có thể thấy, cứ 2 người lao động tham gia nền kinh tế mới có 1 người được đào tạo và cứ 2 lao động được đào tạo mới có 1 người được đào tạo tạm coi là bài bản từ 3 tháng trở lên, có chứng chỉ.

“Như vậy, nếu xem xét cả 2 chỉ tiêu này có thể thấy, nền kinh tế chưa phát triển bền vững, chưa có nhiều ngành sản xuất dựa vào công nghệ đem lại nhiều giá trị gia tăng, chủ yếu dựa vào nguồn lao động phổ thông, giá rẻ mà hiện nay đã không còn là lợi thế. Nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, chất lượng giáo dục chuyển biến chậm”, đại biểu Phạm Tất Thắng phân tích.

Băn khoăn về tình hình tội phạm, nhất là tình hình trẻ hóa tội phạm, tình hình tai nạn giao thông, những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức, lối sống, đại biểu Phạm Tất Thắng kiến nghị cần có hệ giá trị chuẩn mực trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai sâu rộng về văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức, nhất là trong gia đình.

Bên cạnh đó, Chính phủ dù nguồn lực hạn chế nhưng cần quan tâm, sử dụng nguồn lực thích đáng cho Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030 đồng thời đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung làm tốt việc sửa đổi pháp luật về giáo dục đại học./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục