Siêu nhà máy AI – cỗ máy hút tiền hay đầu tư chiến lược?

06:30' - 23/07/2025
BNEWS “AI chủ quyền” - một khái niệm mới vừa được CEO của Nvidia Jensen Huang quảng bá - đang là vấn đề được nhiều chính phủ quan tâm.

Theo The Economics, cuối năm 2023, ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành của Nvidia - bắt đầu quảng bá một ý tưởng mới. Ông cho rằng mỗi quốc gia nên có hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) riêng, được huấn luyện trên dữ liệu nội địa, phù hợp với các giá trị quốc gia và xây dựng bằng cơ sở hạ tầng địa phương.

Thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách với việc sản xuất, ông chủ của "gã khổng lồ" chip gọi các hệ thống này là “nhà máy AI”, hấp thụ dữ liệu và tạo ra trí thông minh và một khái niệm mới ra đời là “AI chủ quyền”.

Các chính trị gia đang dần ủng hộ ý tưởng này. Đầu năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch thành lập quỹ 20 tỷ euro (23 tỷ USD) để xây dựng tối đa 5 “siêu nhà máy AI”. Chỉ trong hai tháng qua, các chính phủ của Pháp, Đức, Saudi Arabia, Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đều tham gia vào các thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng AI địa phương. Theo Nvidia, ít nhất 20 quốc gia đang theo đuổi ý tưởng về AI chủ quyền.

 

Lý do cho sự nhiệt tình của CEO Huang rất rõ ràng. Đối với Nvidia, công ty vừa trở thành doanh nghiệp đầu tiên đạt giá trị thị trường 4.000 tỷ USD, các chính phủ là nguồn kinh doanh tiềm năng sinh lợi lớn. Ngân hàng đầu tư Jefferies ước tính rằng các sáng kiến AI chủ quyền có thể mang lại khoảng 200 tỷ USD doanh thu tích lũy cho nhà sản xuất chip này “trong vài năm tới”.

AI chủ quyền cũng có thể là một biện pháp bảo vệ hữu ích cho Nvidia. Những khách hàng lớn nhất của công ty - Amazon, Alphabet, Meta và Microsoft - đều đang phát triển chip riêng, điều này có thể làm giảm sự phụ thuộc vào Nvidia theo thời gian. Saudi Arabia dự kiến mua “vài trăm nghìn” bộ vi xử lý cao cấp của Nvidia trong vòng 5 năm tới. UAE, với kế hoạch tham vọng nhất, dự định nhập khẩu nửa triệu chip mỗi năm.

Nhưng liệu AI chủ quyền có xứng đáng với tiền thuế của người dân? Mặc dù ngày càng được ủng hộ, khái niệm này vẫn còn mơ hồ. AI chủ quyền có thể giúp các quốc gia phát triển mô hình quốc gia, bảo vệ thông tin nhạy cảm và mở rộng quyền truy cập vào công nghệ. Tuy nhiên, nó sẽ không giúp giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và trong nhiều trường hợp, có nguy cơ lãng phí số tiền khổng lồ.

Có nhiều cách khác nhau mà các chính phủ đang theo đuổi AI chủ quyền. Cách tiếp cận của Pháp tập trung vào Mistral - công ty sản xuất mô hình AI trong nước - đã hợp tác với Bpifrance - ngân hàng chính phủ- cùng MGX - nhà đầu tư quốc doanh của UAE - và Nvidia để xây dựng khu dữ liệu AI lớn nhất châu Âu.

Ở các nước vùng Vịnh, chính phủ nắm quyền kiểm soát trực tiếp hơn. Vào tháng 5/2025, Saudi Arabia ra mắt Humain - công ty được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng AI trong Vương quốc này. Ở UAE, vai trò chủ chốt thuộc về G42 - công ty AI do quỹ tài sản quốc gia Mubadala sở hữu một phần.

Các chính phủ biện minh cho những dự án phát triển AI của họ với nhiều lý do khác nhau. Một số nước chi tiêu lớn muốn đuổi kịp Mỹ: EC hy vọng đưa châu Âu lên “hàng đầu trong phát triển AI”. Những nước khác, như Ấn Độ, lo ngại rằng các mô hình AI được huấn luyện trên dữ liệu nước ngoài sẽ không bao gồm ngôn ngữ và giá trị địa phương, một mối quan tâm ngày càng tăng khi các hệ thống AI định hình mọi thứ từ giáo dục đến dịch vụ công.

Kiểm soát một số dữ liệu trong nước cũng được xem là thiết yếu. Trong các lĩnh vực như y tế, các quan chức lo ngại về việc thông tin bệnh nhân chảy vào các mô hình nước ngoài. Một hệ thống nội địa, một số người cho rằng, giúp dễ dàng bảo vệ thông tin đó trong khi vẫn cho phép khai thác cho AI.

Mối quan tâm cuối cùng của các chính phủ là mở rộng quyền truy cập vào AI. Ông Nadia Carlsten, Giám đốc điều hành của DCAI, đơn vị vận hành Gefion - siêu máy tính AI quốc gia của Đan Mạch, cho biết, các công ty nhỏ và viện nghiên cứu “luôn ở cuối hàng”. Một hệ thống trong nước, bà lập luận, giúp đảm bảo quyền truy cập rẻ hơn và đáng tin cậy hơn cho những người dùng này. Gefion, ra mắt vào năm 2024, đang được sử dụng cho các ứng dụng như phát hiện thuốc và dự báo thời tiết.

Tuy nhiên, các dự án này sẽ không mang lại sự tự chủ hoàn toàn. Bộ vi xử lý tiên tiến là yêu cầu quan trọng nhất cho các hệ thống AI. Nvidia thống trị thị trường đó, chiếm khoảng 90% chip AI thương mại - đó là lý do tại sao “gã khổng lồ” công nghệ này đóng vai trò trung tâm trong hầu hết các sáng kiến AI chủ quyền. Đối thủ cạnh tranh nghiêm túc duy nhất của Nvidia, AMD, cũng là công ty Mỹ. Các máy chủ chứa các chip này chủ yếu được sản xuất bởi hai công ty Mỹ khác là Dell và Supermicro. Ngay cả Trung Quốc, nơi đã xây dựng một hệ thống AI gần như tự chủ, vẫn chưa phát triển được giải pháp thay thế cho các chip tiên tiến nhất của Mỹ.

Các dự án AI chủ quyền có thể giúp các chính phủ đạt được các mục tiêu như bảo mật dữ liệu và mở rộng quyền truy cập vào công nghệ. Tuy nhiên, các "gã khổng lồ" đám mây của Mỹ có lẽ có thể làm điều này hiệu quả hơn, không chỉ vì quy mô của họ mang lại sức mạnh đàm phán với các nhà cung cấp như Nvidia (mặc dù Nvidia phản bác ý kiến này). Amazon và Microsoft đã bắt đầu cung cấp các đám mây chủ quyền với các biện pháp kiểm soát dữ liệu nâng cao và cơ sở hạ tầng địa phương chuyên dụng. Các mô hình AI quốc gia có thể đơn giản được xây dựng trên nền tảng này.

Chuyên gia Kevin Xu của quỹ đầu tư Interconnected Capital cảnh báo rằng nhiều dự án AI chủ quyền có nguy cơ tạo ra thứ gì đó “giống cung điện hơn là nhà máy”. Đó sẽ là một cách sử dụng kém hiệu quả tiền thuế của người dân, nhưng có thể rất phù hợp với Nvidia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục