Singapore mở rộng Kế hoạch hành động tài chính xanh

11:17' - 09/05/2023
BNEWS Để nhanh chóng phi carbon hóa nền kinh tế, Cơ quan tiền tệ Singapore (ngân hàng trung ương - MAS) đã công bố các chiến lược chính sẽ theo đuổi trong Kế hoạch hành động tài chính xanh cập nhật.

Để nhanh chóng phi carbon hóa nền kinh tế Singapore, Cơ quan tiền tệ Singapore (ngân hàng trung ương - MAS) mới đây đã công bố các chiến lược chính mà họ sẽ theo đuổi trong Kế hoạch hành động tài chính xanh cập nhật.

Theo đó, cơ quan này sẽ mở rộng trọng tâm, vốn hiện chỉ tập trung vào tài chính xanh, sang bao gồm cả tài chính chuyển đổi bằng cách vạch ra các chính sách rõ ràng, khuyến khích đổi mới sáng tạo và mở rộng tài trợ.

 

Các chính sách mà MAS dự định thực hiện bao gồm phát triển thị trường nợ bền vững thông qua các giải pháp xanh và chuyển đổi; cải thiện chất lượng của dữ liệu và việc công bố thông tin về môi trường, xã hội và quản trị; đồng thời đảm bảo các tổ chức tài chính áp dụng các kế hoạch chuyển đổi đáng tin cậy.

Trong lĩnh vực nợ bền vững, MAS sẽ mở rộng phạm vi của các chương trình tài trợ cho vay và trái phiếu bền vững để bao gồm các khoản vay và trái phiếu chuyển đổi. Cơ quan này cũng sẽ dành 15 triệu đôla Singapore để giúp các công ty giảm chi phí khi phát hành trái phiếu hoặc khoản vay bền vững. Các chương trình tài trợ này sẽ được gia hạn đến cuối năm 2028 để hỗ trợ nhiều dự án chuyển từ nâu sang xanh hơn trong khu vực.

Để thúc đẩy tính minh bạch, MAS sẽ đưa ra các biện pháp khuyến khích thúc đẩy các tổ chức phát hành hoặc bên vay sớm công bố thông tin về tính bền vững ở cấp độ công ty. Cơ quan này cũng sẽ bổ sung thêm 15 triệu đôla Singapore cho chương trình trợ cấp chứng khoán liên kết với bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động của MAS sẽ hỗ trợ phát triển các dịch vụ carbon và thị trường tín dụng carbon ở Singapore để chuyển nguồn tài chính cho các dự án giảm thiểu và loại bỏ carbon ở châu Á.

MAS đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi trong những năm qua, do các hoạt động phi xanh chiếm phần lớn trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá để sản xuất điện.

Chiến lược mới này có thể giúp Singapore trở thành trung tâm tài chính chuyển đổi trong khu vực. Nó cũng có thể kết nối nhu cầu tài chính của các nền kinh tế đang phát triển với các nhà đầu tư trên thị trường vốn phát triển. Đây là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Singapore nghiêm túc trong cam kết với quá trình chuyển đổi xanh đáng tin cậy ở châu Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục