Singapore - nam châm "hút" các công ty công nghệ toàn cầu

05:30' - 18/07/2023
BNEWS Singapore được biết đến nhiều nhất trong giới kinh doanh quốc tế với tư cách là trung tâm đặt trụ sở khu vực và đầu tư của các công ty đa quốc gia.

Theo báo Nikkei Asia, giờ đây, quốc đảo này đang thu hút những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu và các công ty khởi nghiệp (startup).

Một môi trường an toàn và ổn định, tập trung tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, cùng với khung pháp lý được thiết kế dành cho các công ty công nghệ và doanh nhân, đã tạo ra một trung tâm công nghệ toàn cầu cho thế kỷ XXI. Những lợi thế của Singapore đã khiến quốc đảo này trở thành một địa điểm được lựa chọn của nhân tài công nghệ và vốn đầu tư.

Những lợi thế trên của Singapore, khó có thể nhân rộng ở nơi khác, chắc chắn sẽ định vị nơi đây như một trung tâm đổi mới toàn cầu trong nhiều năm tới, trong bối cảnh quốc đảo này điều hướng cuộc cạnh tranh công nghệ ngày càng tăng giữa Mỹ với Trung Quốc.

Singapore nằm trong khu vực tăng trưởng cao. Các dự báo kinh tế cho Đông Nam Á dự đoán khu vực này sẽ vẫn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới trong nhiều năm tới. Khó có quốc gia nào khác trong khu vực có thể sánh được với Singapore về những lợi thế quan trọng khác. Ví dụ như Singapore mang đến cho các doanh nghiệp và người nước ngoài sinh sống, làm việc và đầu tư tại đây một môi trường vừa an toàn vừa ổn định. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đã xếp hạng Singapore đứng đầu thế giới về sự ổn định chính trị và hoạt động trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu năm 2022.

Trong vài năm qua, Singapore đã thiết lập các chính sách để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và phát triển đội ngũ nhân tài để các doanh nghiệp phát triển trong thập kỷ tới. Singapore đã vận hành điều này thông qua chương trình Quốc gia Thông minh. Chính phủ, trong khi tập trung vào việc thu hút nhân tài toàn cầu để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái địa phương, đã nhấn mạnh cam kết của mình đối với điều cốt lõi của Singapore. Năm ngoái, Singapore đã tăng mức lương tối thiểu cho các chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao đang tìm kiếm giấy phép lao động.

Trong những năm gần đây, Singapore cũng đã đưa ra ba sáng kiến việc làm mới để thu hút nhân tài nước ngoài và đảm bảo rằng quốc gia này vẫn là một trung tâm đổi mới. Tech Pass, ra mắt vào năm 2019, cho phép những người có nền tảng về công nghệ, chẳng hạn như người sáng lập công ty công nghệ và giám đốc tài chính, ở lại Singapore từ hai năm trở lên để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của đất nước. Tech Pass, trong đó có khoảng 300 thẻ đã được phát hành, không liên kết với một nhà tuyển dụng cụ thể, giúp chủ sở hữu linh hoạt trong việc cố vấn cho các công ty khởi nghiệp, thành lập công ty mới hoặc tham gia hội đồng quản trị.

Chương trình Tech@SG có liên quan nhằm mục đích thu hút các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số và công nghệ đến với Singapore. Chương trình này cho phép các doanh nghiệp đang phát triển nhanh chóng tiếp cận với những nhân tài quan trọng mà họ cần để phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh bằng cách đảm bảo tối đa 10 giấy phép tuyển dụng cho mỗi công ty.

Thẻ chuyên môn và mạng lưới ở nước ngoài, được giới thiệu vào tháng 1/2023, dành cho những nhân tài nước ngoài có kiến thức và sáng tạo ngoài lĩnh vực khởi nghiệp và công nghệ. Bằng cách đảm bảo phê duyệt tự động, doanh nghiệp có thể tiếp cận các giám đốc điều hành cấp cao và chuyên gia khi cần. Người sở hữu thẻ này có thể ở lại Singapore trong 5 năm và không bị ràng buộc với một chủ lao động nào. Vợ/chồng của họ cũng được phép đi làm.

Tuy nhiên, Singapore phải đối mặt với những thách thức địa chính trị. Năm ngoái, trong khi Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Singapore, thì Trung Quốc lại đứng đầu về thương mại. Mỹ đang thắt chặt các hạn chế đối với hoạt động kinh doanh với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, thì Chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì các chính sách công nghiệp có lợi cho doanh nghiệp trong nước. Những hành động gần đây ở Trung Quốc báo hiệu rắc rối cho việc tiến hành thẩm định các khoản đầu tư tiềm năng hoặc các đối tác thương mại ở nước này.

Trong suốt thời gian đó, Singapore đã duy trì sự cân bằng trong quan hệ kinh tế với Mỹ và Trung Quốc. Singapore là nước đề xuất sớm Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định này giúp Mỹ hội nhập mạnh mẽ hơn vào một khu vực mà Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của hầu hết mọi người. Khi cựu Tổng thống Donald Trump lúc đó từ bỏ TPP vào năm 2017, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nỗ lực cùng với các thành viên còn lại tạo ra Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đáng chú ý, năm 2021, Singapore cũng trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Trung Quốc hiện là thành viên lớn nhất. Năm ngoái, Singapore đã tham gia với tư cách là thành viên sáng lập của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) vì sự thịnh vượng, nỗ lực hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực.

Sự cởi mở của Singapore trong việc kinh doanh với cả Mỹ và Trung Quốc đã giúp nước này trở thành cơ sở khu vực cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu của cả hai quốc gia, bao gồm Google và Alibaba.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai siêu cường đang chuyển hướng từ cạnh tranh sang ngăn chặn, thách thức của Singapore trong việc điều hướng giữa hai bên đang trở nên khó khăn hơn. Căng thẳng Mỹ-Trung đang trên đà hủy bỏ hàng thập kỷ hội nhập kinh tế toàn cầu và dẫn đến sự phân mảnh của hệ thống kinh tế thế giới. Singapore tiếp tục thể hiện sự khéo léo trong việc cân bằng các căng thẳng địa chính trị cạnh tranh. Hành động đi dây này sẽ không dễ dàng nhưng các chuyên gia tin tưởng rằng Singapore có thể thực hiện được.

Với khả năng kết nối vật lý và kỹ thuật số, cùng với khả năng tiếp cận tài chính, Singapore kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút nhân tài công nghệ và đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục