Số ca F0 tại Hà Nội tăng vọt, giá hàng hóa, vật tư y tế "nhảy múa"

21:06' - 24/02/2022
BNEWS Từ 18 giờ ngày 23/2 đến 18 giờ ngày 24/2, số ca F0 ghi nhận tại Hà Nội tăng lên 8.864 trường hợp, trong đó có 3.025 ca tại cộng đồng và 5.839 ca đã cách ly.
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 23/2 đến 18 giờ ngày 24/2, số ca F0 ghi nhận trong ngày trên địa bàn thành phố tăng lên 8.864 trường hợp (tăng 1.445 ca so với ngày hôm trước), trong đó có 3.025 ca tại cộng đồng và 5.839 ca đã cách ly.

Bệnh nhân phân bố tại 538 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó nhiều nhất là huyện Đông Anh có 698 ca; Sóc Sơn có 610 ca; Nam Từ Liêm có 520 ca; Long Biên có 517 ca; Hoài Đức có 514 ca; Hoàng Mai có 488 ca… Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 230.138 ca.

 
Trước tình trạng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Hà Nội ngày càng gia tăng, nhiều người bán hàng lợi dụng nhu cầu của người dân tăng giá một số vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 như: bộ test kháng nguyên COVID-19, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2...; lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 chưa được phép lưu hành; hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 526/UBND-KT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý hiện tượng tăng giá vật tư, trang thiết bị y tế; thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Trong đó, UBND thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quản lý thị trường thành phố, các Sở: Y tế, Tài chính, Công Thương; Công an thành phố; Cục Thuế thành phố Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai ngay công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về giấy phép, việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhãn mác đối với các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế, bộ test kháng nguyên COVID-19, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2; lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 chưa được phép lưu hành theo quy định của pháp luật.

UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Y tế cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng hỗ trợ, điều trị COVID-19 và người dân trong công tác phòng, chống dịch.

UBND thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, tập trung tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố, các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch, quy định về tiêm phòng, khám, chữa COVID-19…/.

>>>Công bố giá thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục