Số ca mắc sởi đang gia tăng tại Hà Nội

11:25' - 26/03/2018
BNEWS Từ đầu năm 2018 đến ngày 19/3, Hà Nội có 38 trường hợp mắc bệnh sởi; riêng trong tuần từ ngày 12/3 – 18/3 tại Hà Nội có 10 trường hợp mắc.
Trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi. Ảnh: TTXVN

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tại Việt Nam, hoạt động tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ em đã được triển khai rộng rãi tại tất cả các địa phương trên cả nước từ năm 1985. Tuy nhiên, hàng năm cả nước vẫn ghi nhận các trường hợp mắc sởi.

Năm 2017, bệnh sởi ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh miền Nam với 141 trường hợp dương tính với sởi (431 trường hợp phát ban nghi sởi), không có trường hợp tử vong.

Trong đó có 54 trường hợp (38,3%) dưới 9 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 trường hợp (39%) không tiêm chủng, 22 trường hợp (15,6%) không rõ tiền sử tiêm chủng và 10 trường hợp (7,1%) có tiêm vắc xin sởi.

Như vậy, nguy cơ dịch sởi có thể xảy ra rất lớn tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin sởi thấp hoặc tại một số thành phố lớn, nơi có mật độ tập trung dân cao và sự di biến động dân cư lớn.

Đặc biệt, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sởi đang gia tăng trên địa bàn Hà Nội. Từ đầu năm 2018 đến ngày 19/3, Hà Nội có 38 trường hợp mắc bệnh sởi; riêng trong tuần từ ngày 12/3 – 18/3 tại Hà Nội có 10 trường hợp mắc.

Bệnh sởi xảy ra vào mùa nào?

Theo bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… Chính vì vậy, bệnh dễ mắc thành dịch.

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây nên tử vong. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ở trẻ em. Cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ ăn.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân nên chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, gia đình cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi; hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây nên cha mẹ không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Triệu chứng phát hiện trẻ mắc sởi

Các bác sỹ cho biết: Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ C; viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng; chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt.

Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ; ngày thứ 2 ngực, lưng, cánh tay; ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân; khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.

Cách chăm sóc trẻ mắc sởi

Gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu như: Trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C hoặc 40 độ C; khó thở, thở nhanh; mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…; phát ban toàn thân mà vẫn sốt.

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình cần cách ly trẻ bệnh với trẻ lành; đảm bảo tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ bệnh sởi; tránh tối đa việc dụi mắt, mũi; vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày…

Các gia đình cần lau nhà, bàn, ghế, cầu thang đồ chơi nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Khi mắc sởi, gia đình cần cho trẻ ăn thức ăn mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa; tốt nhất nên chế biên theo khẩu vị của người bệnh. Cha mẹ cần lưu ý không kiêng ăn cho trẻ để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng; không dùng các loại gia vị gây khó tiêu; trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống. Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A…/.

>>> Thành phố Hồ Chí Minh: Cảnh báo nguy cơ bệnh sởi quay trở lại ​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục