Sốc nhiệt, ngao chết trắng bãi tại Thái Bình

16:06' - 12/08/2019
BNEWS Những ngày này, người nuôi ngao tại hai xã Đông Minh và xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) đứng ngồi không yên vì tình trạng ngao chết trắng bãi.
 Ngao chết nằm la liệt tại nơi nuôi thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Công sức, tiền vốn đầu tư của bà con nông dân đã “đổ sông đổ biển” chỉ trong vài ngày.

Từ nhiều năm nay, nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nghề nuôi ngao đã mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân xã Đông Minh (huyện Tiền Hải). Nhiều gia đình đã giàu lên từ chính nghề này song cũng không ít lần họ điêu đứng, đổ nợ vì thiên tai, giá cả thị trường bấp bênh hay dịch bệnh…

Nếu như năm 2009 người dân xã Đông Minh đã phải chứng kiến ngao chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề thì nay lại rơi vào tình cảnh tương tự. Cả khu đầm toàn một màu trắng của xác ngao.

Tranh thủ thời gian thủy triều chưa lên, người dân thu gom những xác ngao chết và mong tìm kiếm được những con ngao thương phẩm còn có thể cho thu hoạch với hi vọng gỡ gạc lại chút vốn. Nhưng cả 4 - 5 giờ đồng hồ tìm bới trong cát, người nuôi ngao chỉ nhận lại những con ngao đã chết, tách vỏ trắng xóa. Cả khu đầm nồng nặc mùi hôi từ những diện tích ngao chết giữa cái nắng trên 37 độ C.

Trong hơn 10 năm nuôi ngao, đây là lần thứ hai gia đình bà Phạm Thị Giang (xóm 5, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) rơi vào cảnh lao đao vì tình trạng ngao chết.

Theo bà Phạm Thị Giang, từ tháng 6/2019 bà thả trên 35 triệu con con giống trên diện tích 1,2 ha. Sau 2 tháng xuống giống, ngao đang trong giai đoạn phát triển, đến ngày 6/8 trên đầm nuôi của gia đình có hiện tượng ngao chết rải rác.

Diện tích ngao chết ngày càng gia tăng và đến nay toàn bộ 1,2 ha diện tích của gia đình bà đều không thể cứu vãn, thiệt hại gần 600 triệu đồng. Toàn bộ vốn liếng đầu tư của gia đình bà cũng bị chôn vùi theo những xác ngao phơi trắng trên đầm.

 Người dân xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, thu gom vỏ, xác ngao sau khi bị chết. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Cũng chung cảnh ngộ như bà Giang, ông Hoàng Công Trứ (thôn Minh Châu, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) cũng “đứng ngồi không yên” vì ngao chết trắng bãi. Gia đình ông có 1 ha nuôi ngao giống thì nay cũng “xóa sổ” hoàn toàn, không thể cho thu hoạch, ước tính thiệt hại hơn 350 triệu đồng.

Hiện tại, khó khăn trước mắt là thiếu nhân lực dọn vệ sinh đầm nuôi bởi nếu dọn bằng phương pháp thủ công vào ngày thường có giá 200 nghìn đồng/người/ngày, còn thuê máy sủi có giá 300 nghìn đồng/ giờ. Tuy nhiên, những ngày toàn xã đều có ngao chết như hiện nay rất khan hiếm lao động cũng như nguy cơ tăng giá nhân công rất cao gây khó khăn cho các chủ đầm nuôi.

Ông Hoàng Công Trứ cho biết, ngày 7/8 khi kiểm tra đầm nuôi ngao đã thấy có hiện tượng ngao chết rải rác. Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi ngao, việc chết hàng loạt này có lẽ do nắng nóng nên đã tháo lưới xuống thấp hơn bình thường và hi vọng cứu được phần nào diện tích ngao giống. Tuy nhiên, đến ngày 8 - 9/8 xuất hiện ngao chết hàng loạt trên toàn diện tích, nước bề mặt đầm nóng cùng với có màu đen, đục.

Nhận định về vấn đề này, ông Vũ Trung Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh (huyện Tiền Hải) nhấn mạnh, xã Đông Minh có 285 hộ nuôi ngao với tổng diện tích gần 450 ha. Vài năm trở lại đây, để thu hồi vốn nhanh, người dân địa phương chuyển đổi từ nuôi ngao thương phẩm sang nuôi ngao giống với khoảng 230 ha diện tích. Từ ngày 7-8/8 trên các diện tích đầm nuôi ngao của người dân địa phương xuất hiện ngao chết hàng loạt. Thiệt hại nhiều nhất là diện tích ngao giống với tỷ lệ chết trên 70%, diện tích ngao thương phẩm chết từ 20-30%.

Cũng theo ông Vũ Trung Tiến, hàng năm trên địa bàn vẫn xuất hiện hiện tượng ngao chết rải rác. Song năm nay ngao chết hàng loạt, nhiều hộ dân mất trắng hoàn toàn.

Theo chính quyền địa phương, năm 2009 và năm 2014 cũng đã xảy ra hiện tượng tương tự với thiệt hại chủ yếu ở ngao thương phẩm, còn năm nay đối tượng thiệt hại trên cả ngao giống và ngao thương phẩm. Thống kê sơ bộ, địa phương thiệt hại trên 60 tỷ đồng.

Hiện tượng ngao chết hàng loạt cũng xảy ra ở xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) với tổng diện tích thiệt hại là 130 ha; trong đó diện tích ngao chết từ 70% trở lên với 30ha, còn lại là các diện tích ngao chết từ 30-70%.

Không chỉ đối mặt với cảnh “trắng tay” do ngao chết hàng loạt, người dân xã Đông Minh, Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) đang vướng phải khó khăn từ việc xử lý bãi nuôi sau khi ngao chết.

 Người dân xã Đông Minh, huyện Tiền Hải thu gom vỏ, xác ngao chết. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN
Thống kê cho thấy, năm 2019 huyện Tiền Hải có gần 1.870 ha nuôi ngao, chủ yếu là giống ngao ngắng, tập trung tại 7 xã gồm Nam Thịnh, Nam Phú, Nam Cường, Nam Hưng, Đông Minh, Đông Long và Đông Hoàng.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết, từ ngày 6/8 phòng nhận được thông tin ngao chết rải rác tại 2 xã Đông Minh và Nam Thịnh và ghi nhận đến ngày 9/8 ngao chết hàng loạt. Cỡ ngao chết chủ yếu là loại nhỏ từ 1.000 đến 1.500 con/kg. Đến nay, tổng diện tích thiệt hại tại 2 xã này là 530 ha; trong đó khu vực ngao chết tại xã Đông Minh từ Tiểu đoàn 5 đến Sông Lân, còn tại xã Nam Thịnh khu vực ngao chết là Gò Nổi, Gò Bèo, Gò Tử và chân đê khu vực giáp Cửa Lân.

Sau khi xuất hiện tình trạng ngao chết, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản lấy mẫu xét nghiệm tại một số hộ có ngao chết. Nguyên nhân được xác định ban đầu ngao chết là do sốc nhiệt.

Cụ thể, do ảnh hưởng cơn bão số 3, trong ngày 3/8 và 4/8 trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to, làm cho độ mặn xuống thấp. Sau đó, từ ngày 6/8 đến ngày 9/8 thời tiết chuyển nắng nóng, nhiệt độ lên cao trùng với thời gian thủy triều nước kém. Do vậy, tại những diện tích bãi có mực nước thấp kết hợp nắng nóng, nhiệt độ tăng cao đột ngột dẫn đến ngao bị chết.

Khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương đối với những hộ nuôi ngao ở các bãi cao cần cải tạo, hút cát, hạ thấp bãi nuôi phù hợp với mực nước lên xuống của thủy triều, tạo bãi nuôi bằng phẳng, không để đọng nước.

Ngoài ra, những bãi nuôi có mật độ dày cần san thưa, giãn cách mật độ; đồng thời thu hoạch với những bãi ngao đạt kích cỡ thương phẩm. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, ngành chuyên môn lưu ý việc vệ sinh môi trường, dọn sạch xác ngao, tránh để thối rữa và không nên đổ trực tiếp xác vỏ ngao ra biển làm ảnh hưởng đến khu vực nuôi ngao sau này./.

>>> Đã tìm ra nguyên nhân ngao chết hàng loạt ở Thanh Hóa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục