Sóc Trăng chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng dứa

10:07' - 19/09/2024
BNEWS Trước kia xã Long Hưng (Sóc Trăng) có diện tích trồng cây tràm, mía nhiều nhất của huyện. Nhưng vài năm gần đây diện tích trồng tràm, mía giảm dần thay vào đó diện tích trồng dứa MD2 được tăng lên.

Tại Sóc Trăng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đang được ngành chuyên môn, chính quyền địa phương vận động nhân dân đẩy mạnh thực hiện, từ đó giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích sản xuất. Nổi bật trong đó là mô hình trồng dứa MD2 ở huyện Mỹ Tú, mô hình đang giúp nông dân địa phương làm giàu trên mảnh vườn của mình.

 

Trước kia xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú) là địa phương có diện tích trồng cây tràm, cây mía nhiều nhất của huyện Mỹ Tú. Nhưng vài năm gần đây diện tích trồng tràm, mía giảm dần thay vào đó diện tích trồng dứa MD2 được tăng lên.

Theo anh Võ Văn Tùng nông dân xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú), nếu như trước với 1 ha đất trồng tràm, mía của gia đình cho thu nhập bấp bênh, thấy cây dứa MD2 đem lại hiệu quả cao nên anh chuyển đổi sang trồng dứa. Sau thời gian 18 tháng canh tác cho thu hoạch với năng suất 65-70 tấn/ha, với giá bán 5.800 đồng/kg, trừ các khoản chi phí lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha.

Anh Võ Văn Tùng nông dân xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú) cho biết, dứa MD2 có trọng lượng 1,5-2,5 kg/trái, trái hình trụ tròn, mắt nở nang, hốc mắt nông, khi bắt đầu chín có màu xanh lá mạ, khi chín 100% có màu vàng. Anh Tùng cũng cho biết, với việc thu hoạch dứa MD2 đợt đầu tiên gia đình rất phấn khởi vì cho thu nhập gần 2-3 lần so với trồng tràm, mía nên thời gian tới gia đình sẽ phát triển thêm diện tích trồng dứa MD2 khoảng 5000 m2.

Cách đó không xa, anh Trần Phi Hùng cùng ngụ ở xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú) hơn 3 năm trước cũng đã chuyển đổi 1,5 ha diện tích đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng dứa MD2.

Anh Trần Phi Hùng xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú) cho biết, trồng cây dứa MD2 so với các loại cây trồng khác rất nhẹ công chăm sóc, ít dịch bệnh và chi phí không nhiều. Thời điểm mùa nắng chỉ cần tưới nước mỗi tuần 1 lần, mùa mưa làm các rãnh thoát nước tránh ngập úng. Hiện nông dân nơi đây rất phấn khởi khi chuyển đổi sang trồng dứa MD2 vì thu nhập cao. Cùng với đó, được liên kết tiêu thụ với công ty bao tiêu đầu ra nên nông dân yên tâm sản xuất.

Theo ông Trần Bé Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú), với vài ha diện tích trồng dứa MD2 ban đầu đến nay diện tích trồng dứa MD2 lên tới 28 ha và dự kiến sẽ phát triển thêm 4 ha trong thời gian tới.

Ông Trần Bé Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú) cho hay, diện tích trồng cây dứa MD2 trên địa bàn xã tập trung tại các ấp Mỹ Khánh B, Mỹ Khánh A, Tân Phước A1, Tân Phước A2. Cây dứa MD2 rất thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất nơi đây bởi vùng đất trũng phèn phù hợp với đặc tính cây dứa MD2, địa phương đã xây dựng mã số vùng trồng cho diện tích 14 ha.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) thông tin, thời gian đầu toàn huyện chỉ có 6 ha đến nay diện tích trồng dứa MD2 đã tăng lên gần 45 ha. Nông dân trồng dứa MD2 được ký kết hợp đồng với Công ty West Food (tỉnh Hậu Giang) cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu mua trái với giá theo từng hợp đồng nên nông dân rất yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết, thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngành nông nghiệp đã tham mưu với UBND huyện xây dựng vùng nguyên liệu trồng dứa MD2 tại xã Long Hưng và Hưng Phú. Cây dứa đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân địa phương với lợi nhuận 150 triệu đồng/ha sau 18 tháng trồng, cao hơn từ 2-3 lần so với trồng mía, tràm.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng sản xuất dứa, như nạo vét kênh, xây dựng trạm bơm điện… Đồng thời, tiếp tục vận động nhân dân mạnh dạng chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng dứa nhằm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích sản xuất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục