Sóc Trăng xuống giống vụ Hè Thu sau ảnh hưởng hạn mặn

10:13' - 05/06/2024
BNEWS Nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ Hè Thu 2024 sau thời gian bị ảnh hưởng hạn mặn.

Ngành chuyên môn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế rủi ro do ảnh hưởng dịch hại và mưa bão làm đổ ngã ảnh hưởng đến năng suất ở cuối vụ.

 

Huyện Long Phú (Sóc Trăng) địa phương chịu ảnh hưởng hạn, mặn xâm nhập gay gắt trong thời gian qua, hiện nông dân đang đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa Hè Thu 2024.

Theo lãnh đạo UBND huyện Long Phú, vụ lúa Hè Thu 2024 toàn huyện sẽ xuống giống 15.900 ha; thời gian xuống giống chi làm 2 đợt, đợt 1 từ 1- 31/5, các xã xuống giống, như: Xã Song Phụng, Hậu Thạnh, Trường Khảnh, thị trấn Đại Ngãi, một phần xã Phú Hữu và Châu Khánh; từ ngày 1 - 30/6 trong vùng đê bao thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt (các xã Long Phú, Tân Hưng, Tân Thạnh, Long Đức, thị trấn Long Phú, một phần xã Phú Hữu và Châu Khánh).

Ông Huỳnh Quốc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho biết, đến nay, huyện đã xuống giống đạt gần 50% diện tích, nông dân sử dụng cấp giống cấp xác nhận để sản xuất, như OM 18, OM 5451, OM 380,.. và các giống lúa thơm, đặc sản như, Đài Thơm 8, OM 4900, RVT, nhóm lúa ST.

Lãnh đạo UBND huyện Long Phú cho hay, ngành chuyên môn huyện kiểm tra, thông tin về độ mặn, tổ chức vận hành cống nhằm điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất; các ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, biện pháp rửa phèn mặn, các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất và thông tin kịp thời tình hình dịch hại và các biện pháp quản lý dịch hại nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh.

Còn tại huyện Mỹ Tú, toàn huyện đã xuống giống vụ lúa Hè Thu được 19.372 ha, chiếm 86% diện tích. Hiện còn gần 7.000 ha ở các xã Mỹ Thuận, Phú Mỹ, Thuận Hưng đang bắt đầu xuống giống, nguyên nhân vùng đất cao, tình hình xâm nhập mặn kéo dài nên hầu hết nông dân chờ mưa đều mới xuống giống.

Vụ lúa Hè Thu năm nay gia đình anh Lý Xôn (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú) xuống giống hơn 10 ha với giống lúa OM 18. Theo anh Lý Xôn, năm nay do tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp nên hầu hết nông dân nơi đây xuống giống trễ hơn hàng năm từ 20-30 ngày; hầu hết nông dân chờ mưa đều mới tiến hành xuống giống, hiện nông dân đang tranh thủ xuống giống nhằm tránh mưa dong gây thất thoát ở cuối vụ.

Ông Sơn Sà Ranh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú) cho hay, toàn xã có trên 2.800 ha sản xuất lúa Hè Thu, đến nay, toàn xã xuống giống đạt gần 1.700 ha. Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo ngành chức năng, ban ngành đoàn thể cấp xã tăng cường tuyên truyền nông dân đẩy nhanh tiến độ và xuống giống đồng lọt nhằm phòng tránh hiệu quả sâu hại. Ngoài ra, chính quyền địa phương theo dõi sát tình hình diễn biến mặn xâm nhâp nhằm kịp thời thông tin đến nhân dân có giải pháp lấy nước sản xuất.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, vụ sản xuất lúa Hè Thu 2024, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã triển khai nạo vét một số kênh trục chính, tập trung cho thủy lợi nội đồng ở một số vùng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu nước. Đặc biệt, nạo vét các tuyến kênh nội đồng đã bị bồi lắng; tu bổ, sửa chữa các công trình thuỷ lợi để đảm bảo tưới và tiêu nước tốt.

Theo kế hoạch, tỉnh Sóc Trăng sẽ xuống giống vụ lúa Hè Thu với diện tích 139.360 ha với các giống chủ lực như, OM5451, OM18, OM34, Đài Thơm 8, ST25,… Đến nay, tỉnh đã xuống giống trên 76.358 ha (đạt gần 60% kế hoạch) một số địa phương có diện tích xuống giống đạt kế hoạch như: Thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Châu Thành, huyện Mỹ Tú,… các địa phương còn lại do ảnh hưởng hạn mặn gay gắt những tháng vừa qua nên xuống giống chậm so với tiến độ đề ra.

Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng chống một số dịch hại trên lúa như, rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn. Vận động nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như, 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, công nghệ sinh thái,…nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục