SoftBank rút khỏi dự án xây dựng thủ đô mới của Indonesia

07:30' - 14/03/2022
BNEWS Người sáng lập Tập đoàn SoftBank, ông Masayoshi Son, sẽ không còn là nhà đầu tư vào dự án 34 tỷ USD của Indonesia để xây dựng thủ đô mới trên đảo Borneo.

Người sáng lập Tập đoàn SoftBank, ông Masayoshi Son, sẽ không còn là nhà đầu tư vào dự án 34 tỷ USD của Indonesia để xây dựng thủ đô mới trên đảo Borneo khi quốc gia này chuyển trọng tâm sang các nhà đầu tư Trung Đông và Trung Quốc.

 

Trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Luhut Panjaitan nói: “Không còn câu chuyện nào về ông Masayoshi nữa, ông ấy đã rút lui”, song không tiết lộ lý do các cuộc đàm phán với tỷ phủ này lại kết thúc.

Trở lại vào tháng 1/2020, Bộ trưởng Panjaitan đã chỉ định ông Son làm thành viên Ban chỉ đạo giám sát xây dựng thành phố thủ đô mới, cùng với Thái tử Abu Dhabi Mohammed Bin Zayed Al Nahyan và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.

Người phát ngôn của SoftBank có trụ sở tại Tokyo đã xác nhận việc tập đoàn này rút khỏi dự án trên, mặc dù nói thêm rằng SoftBank đang tiếp tục đầu tư vào Indonesia thông qua các danh mục đầu tư của Quỹ Tầm nhìn (Vision Fund).

Đây không phải là lần đầu tiên SoftBank rút lui khỏi các dự án tốn kém của chính phủ các nước. SoftBank và Saudi Arabia đã ký kết biên bản ghi nhớ vào năm 2018 để phát triển một dự án điện Mặt trời trị giá 200 tỷ USD - lớn hơn rất nhiều so với các dự án khác vào thời điểm đó - song cuối cùng bị đình trệ.

Indonesia - quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới - đang bắt tay xây dựng thành phố thủ đô mới trên một khu đất ở tỉnh Đông Kalimantan, cách thủ đô Jakarta hiện tại nằm trên Java khoảng 1.400 km về phía Đông Bắc.

Bộ trưởng Panjaitan cho biết, chính phủ đã nhận được cam kết khoảng 20 tỷ USD từ Abu Dhabi tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ban đầu và có kế hoạch cung cấp nhiều dự án hơn cho các nhà đầu tư khác trong tương lai gần.

Ông Panjaitan tiết lộ rằng các nhà đầu tư nước ngoài - trong đó có Saudi Arabia và một đến từ Abu Dhabi liên danh với các quỹ của Trung Quốc - đã bày tỏ quan tâm và cam kết bỏ vốn vào dự án này thông qua Cơ quan Đầu tư Indonesia (INA).

Theo ông Panjaitan, kế hoạch của Chính phủ Indonesia là cung cấp các dự án theo nhóm - chẳng hạn như nhóm giáo dục, nhóm bệnh viện và nhóm các tòa nhà phi chính phủ khác.

Khoảng 5-6 công ty quốc doanh, trong đó có PP Persero và PT Total Bangun Persada - có thể tham gia quá trình xây dựng.

Ông Panjaitan cho hay khoảng 5 tỷ USD ngân sách nhà nước sẽ được sử dụng để xây dựng hầu hết các tòa nhà chính phủ.

Hồi tháng Giêng, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cũng tiết lộ rằng phần tài trợ của chính phủ cho dự án thủ đô mới sẽ đến từ Quỹ phục hồi kinh tế - khoản chi kích thích kinh tế nhằm mục đích tái xây dựng hầu hết các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch - hoặc nguồn ngân sách được phân bổ cho Bộ Công trình Công cộng.

Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu chuyển chính quyền trung ương sang thủ đô mới trước khi kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng của mình vào năm 2024.

Hồi tháng Giêng vừa qua, Quốc hội Indonesia đã thông qua Luật thủ đô mới, tạo cơ sở pháp lý để khởi động đại dự án này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục