Sớm chi trả bảo hiểm cho doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 12

18:37' - 11/12/2017
BNEWS Đoàn công tác của Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm để nắm bắt tình hình bồi thường bảo hiểm cho khách hàng bị thiệt hại do cơn bão số 12 ở tỉnh Khánh Hòa.
Ngư dân Khánh Hòa thu dọn lồng bè nuôi thủy sản bị hư hỏng do bão số 12. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Ngày 11/12, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đoàn công tác của Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm để nắm bắt tình hình bồi thường bảo hiểm cho khách hàng bị thiệt hại do cơn bão sổ 12 ở địa phương này.

Đây là tỉnh đầu tiên đoàn công tác của Bộ Tài chính đến khảo sát, tìm hiểu và tiếp đó hai tỉnh là Bình Định và Quảng Nam cũng nằm trong lịch làm việc với nội dung tương tự.

Theo số liệu tổng hợp, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tính đến ngày 1/12/2017, tại 13 tỉnh, thành phố, gồm: Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đăk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai và Quảng Bình.

Ước tính có trên 1.440 đơn vị, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm, bị tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm là 1.514 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ mới giải quyết, tạm ứng bồi thường hơn 44 tỷ đồng cho một số doanh nghiệp.

Ngay sau cơn bão số 12, Bộ Tài chính đã có các văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương đánh giá mức độ tổn thất, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm và thực hiện các thủ tục giải quyết bồi thường, tạm ứng bồi thường và trả tiền bảo hiểm kịp thời đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm theo đúng hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.

Trong thời gian qua các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương thu thập hồ sơ, tài liệu... tiến hành việc giám định tổn thất, xác định giá trị thiệt hại thuộc phạm vi bồi thường và đã tiến hành tạm ứng bồi thường cho người tham gia bảo hiểm.

Tại buổi làm việc, đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Việt, Bảo Minh tại Khánh Hòa cho rằng, ngay sau khi bão tan, mỗi doanh nghiệp này đã huy động từ 50 - 60 cán bộ, chuyên gia giám định về cơ sở nắm bắt tình hình, triển khai các hoạt động nghiệp vụ.

Tuy nhiên, việc chi trả bảo hiểm cần thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, đảm bảo chính xác, nên cần có thời gian, nhanh nhất cũng mất từ 2 - 3 tháng, có trường hợp phải kéo dài cả năm.

Ông Nguyễn Quang Châu, Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh Khánh Hòa bày tỏ, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn riêng trong công tác bồi thường thảm họa, đơn giản hóa một số thủ tục, có cơ chế riêng mới đẩy nhanh tiến độ bồi thường, chi trả.

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cần khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình tổn thất của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Trường hợp thuộc phạm vi bảo hiểm, cần nhanh chóng thực hiện các thủ tục tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường và trả tiền bảo hiềm kịp thời, đầy đủ cho tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm đã ký kết và đúng quy định pháp luật.

Các trường hợp vướng mắc sẽ được tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính, xin ý kiến Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Cũng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Quang Huyền, việc sớm giải quyết bồi thường bảo hiểm rất quan trọng đối với doanh nghiệp sau cơn bão, vì đây là nguồn kinh phí cần thiết để doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống cho người lao động.

Đoàn công tác cũng đã trực tiếp đến tìm hiểu tại một số cơ sở tham gia bảo hiểm bị tổn thất, nắm bắt tình hình khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, nguyện vọng và đề xuất trong công tác tạm ứng, giải quyết bồi thường bảo hiểm./.

Xem thêm:

>>>Thiệt hại do cơn bão số 12 và mưa lũ: 63 người chết và mất tích

>>>Lãnh đạo Trung Quốc gửi điện thăm hỏi lãnh đạo Việt Nam về những thiệt hại do bão số 12

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục