Sống chung với COVID-19 trong bối cảnh mới

07:09' - 27/02/2022
BNEWS Số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam vượt khá xa mốc 3 triệu ca. Điều này gây ra tâm lý lo sợ quá mức, hoặc thái độ kiểu “rồi ai cũng sẽ là F0”, hoặc tâm lý chủ quan do đã tiêm vaccine mũi 2, mũi 3.
Tính đến tối 26/2, số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam đã ở mức 3.219.177 ca, vượt khá xa mốc 3 triệu ca. Điều này hoặc gây ra sự hoang mang, lo sợ quá mức, hoặc làm nảy sinh thái độ “vô cảm”, mặc kệ theo kiểu “rồi ai cũng sẽ là F0”, hoặc tâm lý chủ quan do đã tiêm vaccine mũi 2, mũi 3.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, thái độ hợp lý nhất hiện nay là bình tĩnh, nâng cao ý thức tự giữ gìn cho bản thân và bảo vệ sức khỏe của người thân, của cộng đồng từ phía người dân cũng như sự điều chỉnh hợp lý trong cách phòng, chống dịch từ phía các cơ quan chức năng.

*Nâng cao ý thức vì cộng đồngTừ tháng 10/2021 Việt Nam đã từ bỏ chiến lược “Zero COVID-19” để “thích ứng an toàn, linh hoạt; kiểm soát hiệu quả dịch” thì ý thức tự bảo vệ và giữ gìn sức khỏe cho người thân, cộng đồng từ phía mỗi người dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh không còn sự “truy vết thần tốc”, “phong tỏa nghiêm trên diện rộng”, rất hiếm cách thức ngăn cấm, xử phạt từ các cơ quan chức năng.

Hiện tại, có một bộ phận người dân lơ là các biện pháp phòng dịch, trong đó có nguyên tắc 5K bởi vì họ “khoán trắng” cho vaccine ngừa COVID-19.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đạt mức cao trên thế giới. Theo số liệu của Bộ Y tế vào tối 26/2, tại nước ta đã có hơn 193,2 triệu liều vaccine được tiêm (trong khi dân số năm 2020 là 97,34 triệu người). Các địa phương đã được chỉ đạo tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19, theo đó, phải hoàn thành tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022; hoàn thành tiêm mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi trong tháng 2 năm 2022; sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, vaccine chỉ giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng chứ không hoàn toàn chống lại được SARS-CoV-2.

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) cũng khuyến cáo, vaccine ngừa COVID-19 giúp cơ thể con người phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh nhưng không có loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%. Sau khi tiêm chủng vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp mắc bệnh và có thể lây cho người khác. Tình trạng lây nhiễm ở người đã được tiêm vaccine đầy đủ được gọi là "lây nhiễm đột phá sau tiêm vaccine" (post vaccination breakthrough infections) và đã được trù liệu trước.

Do dịch bệnh kéo dài và số ca F0 ở nhiều địa phương tăng cao sau khi Việt Nam từ bỏ chiến lược “Zero COVID-19”, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, nên nhiều người mang nặng tâm lý “tránh cũng không thoát” và muốn “sổ lồng”. Chính thái độ buông xuôi này khiến cho tình hình dịch tễ ở nước ta có chuyển biến xấu, gây ra tình thế nguy hiểm không đáng có đối với những người chống chỉ định tiêm vaccine, chưa được tiêm hay mắc các bệnh nền. 

Mặc dù số bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ tại nước ta rất cao (ví dụ ở Hà Nội là khoảng 97%), song vẫn có tỷ lệ nhất định các ca chuyển nặng và tử vong. Hiện tại cả nước có 2.979 ca bệnh nặng và trong 24 giờ qua có 88 ca tử vong (Hà Nội có 24 ca).

Thật là sai lầm khi coi nhẹ nguy cơ bị nhiễm hay thậm chí là “chủ động trở thành F0 cho xong chuyện”. Bởi vì được chữa khỏi COVID-19 không có nghĩa là hoàn toàn vô sự. Nhiều ca F0 sau khi có các kết quả xét nghiệm âm tính vẫn gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị. Các công trình nghiên cứu cho thấy, có 33% -76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố định nghĩa chính thức đầu tiên về hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition). Theo đó, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Người mắc COVID-19 ở nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết, huyết học bị huyết khối… Có trường hợp xuất hiện rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon miệng, chán ăn, đau dạ dày, tiêu chảy…), rối loạn vị giác hoặc khứu giác, phát ban…

Người bệnh trong giai đoạn hậu COVID-19 cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung; xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng.

Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phế quản mạn… thì khi mắc COVID-19 tình trạng của họ trở nên nặng hơn.

*Chung sống với COVID-19 sao cho an toàn?Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn sống chung với COVID-19. Nhưng chung sống sao cho an toàn nhất vẫn đang là sự trăn trở từ phía các chuyên gia dịch tễ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu nhấn mạnh: "Nước ta đang thực hiện giai đoạn bình thường mới, từng bước nởi lỏng các hoạt động. Thay vì "Zero COVID-19", Việt Nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, quản lý rủi ro. Vì vậy, ý thức của người dân rất quan trọng, đóng vai trò rất lớn quyết định hiệu quả của công tác chống dịch. Nếu mỗi người đều tuân thủ 5K và nhắc nhở nhau thực hiện tốt việc này sẽ giúp cho dịch bệnh bớt nóng hơn, từ đó tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường".

Phó Giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cũng có cùng quan điểm: "Dù số ca bệnh hiện nay tăng nhiều, nhưng người dân vẫn cần tuân thủ 5K. Những ai không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. F0 đang có xu hướng nhiều hơn F1 và hầu hết đều không triệu chứng. Ngoài ra, vì số F0 không triệu chứng hiện nay vẫn đang đi làm và ra ngoài bình thường nên đây sẽ là nguồn phát tán virus. Vì vậy, người dân nếu không may bị nhiễm bệnh cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều. Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần xét nghiệm COVID-19 tại nhà. Nếu dương tính, nên báo cho lực lượng y tế nơi mình cư trú để được tư vấn điều trị".

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Bộ Y tế cần điều chỉnh nguyên tắc 5K trong điều kiện mới để sát với thực tế hiện nay và mang tính khả thi cao hơn, đặc biệt là quy định về khoảng cách an toàn, khi mà “F0 đang có xu hướng nhiều hơn F1”.

Khi trong cộng đồng có nhiều ca F0 thì theo các chuyên gia dịch tễ, việc cần làm bây giờ không phải là truy vết, mà nên tập trung vào ca nặng, nguy kịch, đặc biệt là việc phát hiện sớm, đưa vào bệnh viện các ca nguy cơ để điều trị, giảm ca chuyển nặng và giảm tỉ lệ tử vong.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhấn mạnh: "Các ca F0 nhẹ, không triệu chứng thì nên ở nhà, tự cách ly, tự điều trị, họ được phát các gói thuốc do Sở Y tế cung cấp. Những trường hợp như vậy, chúng ta không cần quá quan tâm nữa. Chúng ta cũng nên chú trọng phương tiện vận chuyển F0 (nặng). Thời gian gần đây chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng người bệnh chờ lâu, phương tiện quá tải, người bệnh sốt ruột. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở y tế vừa vận chuyển F0 đến cơ sở thu dung, vừa vận chuyển ca bệnh nặng dẫn đến quá tải".

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết: "Đến thời điểm này chúng ta không nên quan tâm nhiều đến số ca hôm nay bao nhiêu, quan tâm số ca nặng bao nhiêu, tử vong bao nhiêu và lý do tử vong là gì. Chúng ta nên phân tích tỷ lệ tử vong ở đối tượng nào, đã tiêm vaccine chưa, có phải tử vong do tiếp cận y tế muộn, điều trị muộn hay không. Từ những phân tích đó để điều chỉnh, đưa dịch COVID-19 trở thành bệnh không gây chết người".

Một câu hỏi đặt ra hiện nay là các ca F0 tăng mạnh thì việc thống kê số người mắc và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng có ý nghĩa gì không.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu thừa nhận, số bệnh nhân nhảy vọt (chẳng hạn ở Hà Nội) và nhiều người tự chữa bệnh ở nhà, không khai báo thì việc thống kê số khó sát thực tế và ít tác dụng. Tuy nhiên, theo ông, thống kê con số F0 vẫn là điều cần thiết để giúp ngành y tế nắm bắt được tỉnh hình cụ thể ở từng khu vực để đưa ra các biện pháp phòng dịch phù hợp.

Ông Trần Đắc Phu nêu rõ: “Dự báo số ca mắc rất quan trọng. Làm công tác dịch tễ mà không nắm được số ca bệnh thì sao dự báo được xu thế phát triển của dịch. Đặc biệt, trong tình hình dịch phức tạp, số ca bệnh tăng nhiều, nếu không có số liệu cụ thể thì khi F0 tăng quá cao sẽ gây ra quá tải hệ thống y tế. Chỉ khi biết số ca bệnh mỗi ngày, mỗi tháng bao nhiêu thì cơ quan dịch tễ học mới đánh giá được dịch và đưa ra dự báo. Do vậy, chúng ta vẫn phải thống kê, báo cáo số ca bệnh”.

Việc thống kê số ca bệnh hằng ngày không chỉ với cả nước mà với từng địa phương, thậm chí từng quận, huyện, xã, phường đều rất quan trọng... Nếu một xã, phường không nắm rõ số ca mắc hàng ngày thì rất khó dự báo chính xác được tình hình, cũng như không thể đưa ra được những biện pháp phòng dịch phù hợp. Đó là chưa kể nếu không biết số ca bệnh khu vực mình đang sinh sống là bao nhiêu, nhiều người dân sẽ có tâm lý chủ quan, buông lỏng, khiến dịch bệnh càng phức tạp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục