Sốt xuất huyết và những triệu chứng nguy hiểm nhất định phải biết

10:05' - 20/09/2023
BNEWS Sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể và chưa có vaccine để ngăn ngừa. Nhiều biến chứng do sốt xuất huyết nếu không được phát hiện kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp virus này đều có khả năng gây bệnh ở Việt Nam và luân phiên gây ra dịch bệnh. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng tuýp riêng lẻ, vì vậy có thể hiểu rằng: một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau.

Sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể và chưa có vaccine để ngăn ngừa. Bệnh này thường lan truyền nhanh và gây ra các đợt dịch lớn, tạo khó khăn trong công tác điều trị và có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là đối với trẻ em. 

Hơn 85% các ca mắc sốt xuất huyết dengue và 90% trường hợp tử vong xảy ra ở các tỉnh phía Nam Việt Nam. Trong đó, 90% các ca tử vong do sốt xuất huyết là dưới 15 tuổi.

Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ (Theo Tổ chức Y tế Thế - WHO năm 2009): Sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng (Sốc sốt xuất huyết Dengue).

 

Do thời tiết diễn biến mưa, nắng thất thường, những năm gần đây, dịch sốt xuất huyết không còn quy luật cứ 4 - 5 năm lại xuất hiện một đợt đỉnh dịch như trước mà dịch “nóng” lên hằng năm. Dự báo năm 2023, do hiện tượng El Nino khiến thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều nên số bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ gia tăng. Khí hậu “nắng lắm, mưa nhiều” tạo thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển.

Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải chưa đúng nơi quy định, phế liệu đọng nước chưa được thu gom, người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, đẻ trứng và bọ gậy phát triển.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Cần lưu ý giai đoạn sốt tương ứng với thể bệnh sốt xuất huyết Dengue thông thường, nếu đã chuyển qua giai đoạn nguy hiểm tức là đã chuyển qua mức độ của thể bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng. Khi đó cần phải cho bệnh nhân nhập viện ngay vì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh sẽ giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.

+ Giai đoạn sốt

Giai đoạn sốt sẽ xuất hiện sau thời gian ủ bệnh, kéo dài từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết; chán ăn, buồn nôn; Đau cơ, đau khớp...

+  Giai đoạn nguy hiểm

Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Nhiệt độ giảm không nhất thiết có nghĩa là người bệnh đang hồi phục, ngược lại cần phải đặc biệt theo dõi biểu hiện của sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo và tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng.

Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ); tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, nề mi mắt, gan to, có thể đau. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 25 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.

Xuất huyết: Xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết nội tạng như: Tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng (nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng).

Một số trường hợp sốt xuất huyết dấu hiệu nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, vật vã hốt hoảng (đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu và tụt huyết áp), cần phải cấp cứu nhanh chóng.

+ Giai đoạn hồi phục

Khoảng 24-48 giờ sau giai đoạn nguy hiểm, cơ thể bệnh nhân có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch, giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng 48-72 giờ.

Bệnh nhân hết sốt, tổng trạng tốt lên, thèm ăn uống trở lại, huyết động ổn định và đi tiểu nhiều. Có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ. Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức cho bệnh nhân có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim.

Khi nào nên test nhanh phát hiện sốt xuất huyết?

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Vì vậy, việc phát hiện sớm sốt xuất huyết giúp cho bác sĩ theo dõi được quá trình bệnh theo từng ngày và có những biện pháp xử lý thích hợp.

Hiện có hai loại xét nghiệm chẩn đoán sớm sốt xuất huyết, thứ nhất là Real-time PCR, nhưng xét nghiệm này chỉ có thể thực hiện được ở các bệnh viện, phòng xét nghiệm hiện đại. Thứ hai là xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1 (test nhanh) cho chẩn đoán sớm nhất từ ngày thứ nhất đến khi hết bệnh sốt xuất huyết.

Triệu chứng lâm sàng sốt xuất huyết phải sau ngày thứ 3 mới rõ ràng. Cụ thể là bệnh nhân bị sốt, nổi những chấm li ti ở những vùng hay cọ xát như nách, da bị xung huyết... Để kết luận người đó có bị sốt xuất huyết không, cần phải xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1.

Theo các bác sĩ, test nhanh sốt xuất huyết chính xác nhất là trong vòng 3 ngày đầu và giảm dần sau đó.

Do đó, người bệnh khi có dấu hiệu sốt phải đi khám bệnh, có thể xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1 cho kết quả nhanh, trong vòng khoảng 30 phút.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

Ngoài những hướng dẫn trên, cần lưu ý luôn theo dõi sát thân nhiệt, báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu sốt lên, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chưa có sự chỉ định của bác sĩ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục