SSI phát hành 16 mã chứng quyền có đảm bảo trong tháng 8

08:49' - 27/08/2021
BNEWS Tháng 8/2021, SSI đã phát hành thêm 16 mã chứng quyền có bảo đảm CW), tương đương 170 triệu chứng quyền ra thị trường; trong đó, 122 triệu chứng quyền sẽ chính thức niêm yết vào ngày 27/8/2021.

Lượng chứng quyền phát hành trong tháng 8 cũng ghi nhận một trong những lần phát hành sơ cấp lớn nhất của SSI từ trước đến nay.

Nhằm bổ sung nguồn cung chất lượng cho thị trường chứng quyền, giúp cho nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn đầu tư vào giai đoạn cuối năm nay, chỉ trong tháng 8 này, CTCP Chứng khoán SSI đã có 2 đợt phát hành chứng quyền, với 16 mã chứng quyền mới dựa trên các mã chứng khoán cơ sở của nhóm các công ty sản xuất và dịch vụ gồm: HPG, VIC, VRE, MSN, FPT, MWG, PNJ, VHM, VJC, VNM, NVL, KDH và nhóm các ngân hàng gồm: VPB, MBB, TCB, STB). Tất cả đều có kỳ hạn 5 tháng.

Theo đó, ngày 6/8/2021, SSI đã chính thức phát hành thêm 10 mã mới tương đương 122 triệu chứng quyền. Hiện tại 10 chứng quyền này đã nhận được quyết định niêm yết từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) và sẽ chính thức giao dịch phiên đầu tiên tại sàn này vào ngày 27/8/2021.

Trong khi đó, 6 chứng quyền phát hành đợt hai tháng 8/2021 của SSI cũng đang được các cơ quan quản lý gấp rút hỗ trợ hoàn thành các thủ tục liên quan để sớm lên giao dịch tại thị trường thứ cấp.

Trong thời gian phân phối lần đầu (IPO), nhà đầu tư có thể mua CW do SSI phát hành tại tất cả các địa điểm giao dịch trên toàn quốc, mua Online trên hệ thống giao dịch trực tuyến của SSI, hoặc đăng ký mua online tại website của công ty.

Sau khi niêm yết, NĐT có thể mua bán lại CW trên thị trường thứ cấp tại sàn HOSE, thanh toán theo chu kỳ T+2 (thời điểm sở hữu hoàn toàn” cổ phiếu hoặc tiền. Đó 2 ngày sau khi nhà đầu tư khớp lệnh mua hoặc bán chứng khoán) tương tự như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Nếu nhà đầu tư giữ chứng quyền tới đáo hạn sẽ được thanh toán chênh lệch bằng tiền trong trường hợp chứng quyền đáo hạn ở trạng thái có lãi.

Sau hơn 2 năm kể từ ngày sản phẩm chứng quyền có bảo đảm được vận hành tại Việt Nam, thị trường chứng quyền đã không ngừng tăng trưởng về số mã giao dịch và thanh khoản. Về quy mô thanh khoản, các chứng quyền của SSI nói riêng đã có bước đột phá lớn, từ mức giao dịch trung bình khoảng 100.000 đơn vị CW/phiên của 2 năm 2019 và 2020 thì tới nửa đầu 2021 đã đạt xấp xỉ 200.000 đơn vị CW/phiên.

Sau hai đợt phát hành mới vừa qua trong tháng 8/2021, SSI cũng bổ sung thêm cho thị trường 16 mã chứng quyền mới (hiện thị trường đang ghi nhận giao dịch của 48 mã chứng quyền từ 5 đơn vị phát hành) với tổng quy mô 170 triệu đơn vị chứng quyền và trở lại top dẫn đầu thị trường về khối lượng phát hành.

Nói về khối lượng và các chứng quyền phát hành đợt này, đại diện SSI, ông Nguyễn Đức Thông- Giám đốc Giao dịch phái sinh - CTCP Chứng khoán SSI cho biết, công ty đã có sự quan sát rất kỹ tiềm năng của các cổ phiếu cơ sở cũng như lắng nghe nhu cầu của nhà đầu tư đối với các chứng quyền do SSI phát hành.

Với đợt phát hành sơ cấp đầu tiên của tháng 8/2021, công ty tập trung hơn vào nhóm cổ phiếu công ty sản xuất & dịch vụ, lựa chọn những công ty có nền tảng cơ bản và có tiềm năng tăng giá tốt để ra mắt những sản phẩm chứng quyền tương ứng nhằm giúp cho nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn. Chỉ sau một ngày thực hiện phân phối lần đầu, các chứng quyền FPT, HPG và VHM đã nhận được sự quan tâm đông đảo của các nhà đầu tư với tỷ lệ bán thực tế/ tổng lượng chào bán lần lượt đạt 78.08%, 49.02%, 38.97%.  

Sau đó, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, CTCP Chứng khoán SSI tiếp tục tổ chức đợt phân phối sơ cấp chứng quyền thứ 2 trong tháng 8 chủ yếu trên tài sàn cơ sở là các cổ phiếu ngân hàng. Đợt chào bán này cũng được nhà đầu tư đón nhận rất tích cực, thể hiện qua tỷ lệ bán thực tế/ tổng lượng chào bán cho các mã chứng quyền cổ phiếu ngân hàng đều đạt từ 24% trở lên.   

Đại diện SSI cũng bày tỏ quan điểm, trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô vẫn hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế, rủi ro lớn nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19 đã diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 đến nay, nhà đầu tư nên sử dụng thêm các công cụ đầu tư bên cạnh chứng khoán cơ sở để phỏng hộ rủi ro cũng như phân bổ tài sản. Đặc biệt, sau đợt điều chỉnh trong tháng 7, thị trường chứng khoán chưa xác định xu hướng rõ ràng thì nhà đầu tư có thể sử dụng Chứng quyền Mua như một công cụ đầu cơ với mức phí thấp nhưng có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao. Ông Thông cũng khuyến nghị, việc nắm giữ CW tới đáo hạn có thể không phải phương pháp tối ưu cho các nhà đầu tư ở giai đoạn này mà nên ưu tiên giao dịch ngắn hạn theo các chỉ báo.

Đơn cử, với 20 mã CW do SSI phát hành đã đáo hạn trong năm 2021, chỉ duy nhất 2 mã CHPG2014 và CVPB2016 có mức lợi nhuận nắm giữ tới đáo hạn (holding return) cũng đồng thời là lợi nhuận tối đa (max return) nhà đầu tư có thể đạt được, trong khi 18 mã CW còn lại đều có max return lớn hơn holding return, tức là những CW này đều cho nhà đầu tư 1 thời điểm chốt lời tốt hơn và sớm hơn so với việc nắm giữ tới khi đáo hạn. 

Đặc biệt có 3 chứng quyền: CVNM2010, CVRE2014, CVRE2013 đã từng có lãi trong giai đoạn niêm yết và nhà đầu tư chốt lời đúng lúc thì có thể đã đạt mức sinh lời từ 39% tới 116%, còn với nhà đầu tư nắm giữ những chứng quyền này tới đáo hạn đã chịu rủi ro mất toàn bộ phần vốn đầu tư bỏ ra ban đầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục