Stablecoin - Niềm hy vọng để đồng USD bảo toàn sức mạnh

10:25' - 15/02/2025
BNEWS Theo Giáo sư Kinh tế Lucrezia Reichlin, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ các stablecoin do tư nhân phát hành có thể là cơ hội tốt nhất để duy trì sự thống trị của đồng USD.
Chiến lược thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thách thức vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD. Tuy nhiên, trong bài phân tích mới đây trên trang Project Syndicate, bà Lucrezia Reichlin, cựu quan chức của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và là Giáo sư Kinh tế tại trường London Business School cho rằng việc ông Trump ủng hộ các stablecoin (đồng tiền điện tử neo giá trị vào tiền pháp định hoặc vàng) do tư nhân phát hành có thể là cơ hội tốt nhất để duy trì sự thống trị của đồng bạc xanh mà không cần theo đuổi chủ nghĩa đa phương.

Chiến lược thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump đang đối mặt với một mâu thuẫn cơ bản. Một mặt, ông áp thuế và từ bỏ chủ nghĩa đa phương với danh nghĩa để bảo vệ việc làm cho người Mỹ. Mặt khác, ông lại muốn đồng USD giữ vững vị thế là đồng tiền dự trữ thống trị thế giới. Một trong hai mục tiêu này sẽ phải "nhường bước", và đồng USD rất có thể sẽ bị ảnh hưởng, bất chấp sức mạnh hiện tại của nó.

 
Gần đây, ông Trump đã thể hiện rõ quan điểm muốn đồng USD yếu hơn để tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, các chính sách của ông sẽ khiến đồng bạc xanh mạnh lên và có thể làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu.

Việc dùng chiếc "búa tạ" thuế quan với cường độ mạnh hơn đối với nhiều đối tác thương mại của Mỹ sẽ khiến đồng USD lên giá. Đây không phải là tin tốt lành đối với phần còn lại của nền kinh tế thế giới. Vì điều đó có xu hướng kéo lùi tăng trưởng thương mại toàn cầu, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế của các nước đang phát triển và khiến các quốc gia có đồng tiền yếu khó kiểm soát lạm phát hơn.

Vai trò của đồng USD như một phương tiện trao đổi chủ đạo trong thương mại toàn cầu đã thúc đẩy sự phát triển của thị trường eurodollar, nơi đồng USD được giao dịch và cho vay bên ngoài nước Mỹ. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải đóng vai trò là bên cho vay và cung cấp các khoản tín dụng ngắn hạn cho các ngân hàng trung ương khác, giúp họ bơm thanh khoản cho các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn. Như cuộc khủng hoảng năm 2008 và 2020 đã chứng minh, sự ổn định của hệ thống tài chính quốc tế phụ thuộc vào sự chắc chắn của "mạng lưới an toàn" từ Fed.

Việc hỗ trợ hệ thống tài chính quốc tế có thể coi là cái giá mà Mỹ phải trả cho cái mà cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Valery Giscard d’Estaing từng ví vón là "đặc quyền cắt cổ" từ vị thế bá chủ toàn cầu của đồng USD. Trong nhiều năm, vị thế này đã mang lại lợi thế tài chính to lớn và bền vững cho cả chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, từ lâu đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Hơn nữa, tâm thế sẵn sàng của Tổng thống Trump trong việc khai thác quy mô và sức mạnh của kinh tế Mỹ để đạt được các điều khoản thương mại có lợi hơn, chắc chắn sẽ đẩy nhanh những nỗ lực này.

Nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là ông Trump đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với vị thế quốc tế của đồng USD, vì hiện chưa xuất hiện một giải pháp thay thế rõ ràng nào cho đồng tiền này. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đơn phương can thiệp vào hệ thống tài chính toàn cầu. Năm 1971, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Richard Nixon đã từ bỏ hệ thống Bretton Woods mà không tham vấn các đồng minh châu Âu, khiến họ phải đối mặt với sự tăng giá đột ngột của đồng tiền của mình. Mặc dù quyết liệt, động thái của ông Nixon đã thành công: thế giới chấp nhận tỷ giá hối đoái linh hoạt, và quyền lực tối cao của đồng USD đã được củng cố. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới hiện nay đã khác rất nhiều so với thời điểm đó.

Ngày nay, khi Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP và thương mại toàn cầu, rất khó để tin rằng những nỗ lực phát triển các hệ thống thanh toán độc lập với đồng USD sẽ không tăng tốc nếu ông Trump tiếp tục "vũ khí hóa" đồng bạc xanh.

Sự ủng hộ nhiệt tình của ông Trump đối với tiền điện tử cho thấy rằng ông và chính quyền của ông coi tiền điện tử như một giải pháp cho vấn đề này. Các stablecoin, được hỗ trợ bởi đồng USD, có nhiều đặc điểm và lợi thế từng thúc đẩy sự phát triển của thị trường eurodollar. Các tổ chức phát hành stablecoin hoạt động mà không bị ràng buộc bởi các quy định và không được hưởng lợi từ việc tiếp cận trực tiếp các công cụ thanh khoản của Fed. Thêm vào đó, stablecoin còn có thêm lợi thế (đối với một số người) là hoàn toàn ẩn danh. Nếu được mở rộng quy mô thành công, stablecoin có thể trở nên hữu ích trong thương mại quốc tế và giữ vai trò là một công cụ dự trữ toàn cầu, qua đó gián tiếp củng cố vị thế của đồng USD.

Tuy nhiên, một kịch bản như vậy có thể không làm cho nền kinh tế toàn cầu trở nên an toàn hơn. Vì bảng cân đối kế toán của các tổ chức phát hành stablecoin bao gồm các tín phiếu kho bạc ngắn hạn và các khoản vay thế chấp ngắn hạn rất dễ bị biến động. Do đó, các tổ chức này phải dựa vào sự can thiệp của Fed khi có khủng hoảng.

Rủi ro trên có thể giải thích lý do ông Trump phản đối việc Fed phát hành một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Một loại tiền tệ như vậy có thể tăng cường sự ổn định tài chính, nhưng sẽ không đảm bảo tính ẩn danh, khiến nó không được ưa chuộng đối với những người ủng hộ tiền điện tử, cũng như các ngân hàng thương mại.

Theo bà Reichlin, đây có thể là lý do tại sao ông Trump ủng hộ một chính sách tiền điện tử do khu vực tư nhân dẫn dắt. Dù bất kể lý do của ông Trump là gì, chiến lược của ông có thể là cơ hội tốt nhất để Mỹ bảo tồn vị thế toàn cầu của đồng USD mà không đi theo chủ nghĩa đa phương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục