Sự chuyển đổi vai trò của Mỹ Latinh trong thương mại toàn cầu

06:30' - 13/12/2024
BNEWS Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế Mỹ Latinh giành được thị phần lớn hơn trên thị trường toàn cầu từ năm 2025.

Chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế Mỹ Latinh giành được thị phần lớn hơn trên thị trường toàn cầu từ năm 2025. Tuy nhiên, để đạt được tăng trưởng, các nền kinh tế Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với thách thức: tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa xuất khẩu ngoài nguyên liệu thô và tạo thêm giá trị gia tăng cho hàng hóa.

Theo phân tích của ngân hàng Citigroup, mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ Latinh hiện không chỉ bao gồm các ngành công nghiệp khai thác, nhưng tiến độ nâng cấp vẫn còn hạn chế. Các khoản đầu tư của Trung Quốc đã chuyển mục tiêu từ lĩnh vực năng lượng sang lĩnh vực khai thác mỏ. Một ví dụ rõ ràng là việc xây dựng siêu cảng Chancay ở Peru do công ty Cosco Shipping Ports của Trung Quốc thực hiện. Đây là một dự án lớn, cùng với nhiều chức năng khác, giúp đẩy nhanh tốc độ vận chuyển đồng và các kim loại khác từ Nam Mỹ đến Trung Quốc. 

Mặt khác, Citigroup cho rằng các nước Mỹ Latinh nên tận dụng mối quan hệ thân thiện với các nền kinh tế châu Á, cũng như Mỹ và châu Âu để đa dạng hóa các loại hình đầu tư. Đây là mô hình trong đó chuỗi cung ứng tập trung vào các quốc gia được coi là đồng minh chính trị và kinh tế. 

Dựa trên nguyên tắc này, một số công ty xuyên quốc gia lựa chọn chuyển dịch chuỗi sản xuất về gần nơi tiêu thụ. Điều này không chỉ vì lý do địa lý mà còn vì lý do pháp lý, được chứng minh bằng sự thành công của các công ty Trung Quốc có trụ sở tại Mexico, nhờ việc tận dụng ưu đãi thuế quan của Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) để xuất khẩu sang Mỹ.

Bên cạnh đó, một thay đổi quan trọng khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến thị trường bán dẫn. Điều này được thúc đẩy bởi các can thiệp chính sách của các quốc gia phương Tây do Mỹ dẫn dắt với lập luận lo ngại về an ninh quốc gia. Trong quá trình này, phương Tây đã áp đặt các biện pháp kiểm soát mang tính trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu bán dẫn và các thiết bị liên quan của Trung Quốc.

Báo cáo của Citigroup lưu ý rằng điều này có ba ý nghĩa quan trọng: Lợi nhuận thấp hơn đối với các khoản đầu tư lớn vào chất bán dẫn (chip) cao cấp, do các công ty lớn của phương Tây mất khả năng tiếp cận các khoản doanh thu liên quan đến Trung Quốc. Song song với đó, đổi mới công nghệ ở quốc gia châu Á này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí hơn do các lệnh trừng phạt liên quan đến Mỹ.

Thứ hai, có nhiều khả năng đầu tư quá mức vào các mảng chip truyền thống mà Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu, điều này sẽ gây tổn hại cho các chủ thể khác. Cuối cùng, việc tách rời chuỗi cung ứng công nghệ có thể tạo ra những cơ hội mới cho Mỹ Latinh theo thời gian, nếu Mỹ tìm cách tăng thị phần năng lực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu.

Mặc dù có lo ngại rằng chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ gây bất ổn cho thương mại toàn cầu, nhưng vẫn có tiền lệ “trấn an” dựa trên những gì mà ông Trump thực hiện trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ nhất (2017-2021). Theo chuyên gia Ernesto Revilla - Trưởng bộ phận kinh tế Mỹ Latinh tại Citigroup, nếu lấy Chính phủ Mỹ giai đoạn ông Trump làm Tổng thống lần thứ nhất làm hình mẫu, chắc chắn đã có sự tách rời của Mỹ với Trung Quốc, nhưng nhìn chung, nhiều mô hình thương mại vẫn tương tự.

Chuyên gia Revilla nhận định, ông Trump sẽ có nhiều quyền tự do hơn trong việc tăng thuế quan hoặc giảm thuế doanh nghiệp, do đảng Cộng hòa chiếm đa số trong cả hai viện của Quốc hội Mỹ và quyền kiểm soát Tòa án Tối cao Mỹ. Những biện pháp này sẽ kích thích lạm phát cao hơn và do đó có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, điều sẽ gây bất lợi cho các nền kinh tế Mỹ Latinh. Trong khi đó, những năm gần đây, dù Mỹ duy trì vai trò là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh, nhưng nếu phân tích số liệu theo quốc gia, Trung Quốc lại dẫn đầu tại hầu hết các nước như Peru, Chile, Brazil và Argentina. 

Chuyên gia Revilla đánh giá sự trì trệ của dòng chảy thương mại giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh là một tình thế rất khó đảo ngược. Mỹ đã trải qua một sự chuyển đổi rất lớn về cơ cấu nền kinh tế trong 20 năm qua, khi chuyển từ một nền kinh tế sản xuất hàng hóa thành một nền kinh tế cơ bản sản xuất dịch vụ. Nhiều sản phẩm dịch vụ của Mỹ được trao đổi trên toàn cầu, nhưng nếu các nền kinh tế trên thế giới như Mỹ Latinh muốn mua hàng hóa thì Trung Quốc hiện là nhà sản xuất chính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục