Sử dụng "hộ chiếu vaccine" đang gây chia rẽ cộng đồng quốc tế

14:37' - 26/02/2021
BNEWS Ý tưởng về việc sử dụng "hộ chiếu vaccine", theo đó cho phép những người đã tiêm chủng vaccine COVID-19 được tự do đi lại, đang gây chia rẽ cộng đồng quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi một số quốc gia ủng hộ ý tưởng này, coi đây là lối thoát cho ngành du lịch và hàng không đang gặp khó khăn, một số quốc gia khác lại bày tỏ nghi ngại bởi đến nay mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới được chủng ngừa.

Một số quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Vùng Vịnh có nền kinh tế dựa vào ngành du lịch đã thúc đẩy mạnh mẽ ý tưởng sử dụng hộ chiếu vaccine. Ngay từ hồi tháng 1, Hy Lạp đã kêu gọi EU cho phép những người sử dụng "giấy chứng nhận đã tiêm vaccine" được tự do đi lại trong khối.

Hy Lạp đã ký thỏa thuận với Israel cho phép những người đã được chủng ngừa được phép đi lại giữa hai nước. Cộng hòa Cyprus, vốn phụ thuộc nặng nề vào du khách Anh, cho biết cũng đang hướng đến thỏa thuận tương tự với Israel, vốn cũng đang đàm phán với Malta.

Tây Ban Nha, điểm đến mùa Hè nổi tiếng nhất châu Âu, xem hộ chiếu vaccine có thể là "yếu tố rất quan trọng" để đảm bảo khả năng khôi phục hoạt động đi lại an toàn. Bulgaria và Italy cũng đánh giá hộ chiếu vaccine có thể mở đường cho việc khôi phục "hoạt động thường nhật".

Thậm chí, một số quốc gia ở khu vực Bắc Âu còn có bước tiến xa hơn khi Thụy Điển và Đan Mạch đã triển khai chương trình cấp giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử để cho phép người dân xuất ngoại tham dự các sự kiện thể thao, văn hóa và thậm chí tới dùng bữa tại các nhà hàng.

Iceland, không phải là thành viên Liên minh châu Âu (EU) song nằm trong khu vực tự do đi lại Schengen, cũng đã bắt đầu cấp chứng chỉ tiêm chủng điện tử từ tháng 1 để tạo điều kiện đi lại dễ dàng giữa các quốc gia.

Mặc dù vậy, đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa ủng hộ ý tưởng sử dụng hộ chiếu vaccine để thúc đẩy hoạt động đi lại. WHO cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng hộ chiếu vaccine bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa COVID-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế.

Về phần mình, Pháp và Đức tỏ ra thờ ơ đối với ý tưởng hộ chiếu vaccine. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nêu rõ: "Không phải ai cũng được tiếp cận với các vaccine. Và chúng ta không biết liệu chế phẩm này có ngăn chặn lây nhiễm (virus SARS-CoV-2) hay không".

Đức cũng phản đối trao một số đặc quyền cho một nhóm thiểu số đã chủng ngừa, song thừa nhận sẽ rất khó để ngăn cấm các doanh nghiệp tư nhân như nhà hàng chỉ phục vụ những người đã được chủng ngừa.

Các hãng hàng không đã dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng hộ chiếu vaccine, trong đó hãng hàng không Qantas của Australia là hãng đầu tiên tuyên bố ý tưởng này là "điều thiết yếu".

Hai hãng hàng không Emirates và Etihad của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cho biết trong những tháng tới sẽ thử nghiệm ứng dụng "IATA Travel Pass" kỹ thuật số được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế phát triển.

Hãng hàng không quốc gia New Zealand cũng đang lên kế hoạch thử nghiệm hộ chiếu vaccine để chuẩn bị cho việc nối lại các chuyến bay quốc tế với Australia trong thời gian tới.

Theo thống kê của hãng tin AFP, đến nay mới chỉ có 222 triệu mũi vaccine đã được chủng ngừa trên toàn cầu - chủ yếu là các loại vaccine cần phải tiêm đủ 2 liều mới đạt hiệu quả tối đa - trên tổng dân số thế giới 7,8 tỷ người.

Số người dân sinh sống ở các quốc gia chưa triển khai chương trình tiêm chủng hiện chiếm hơn 20% dân số toàn cầu.

Riêng tại các nước EU, đến nay mới chỉ có khoảng 10,17 triệu người được tiêm đủ hai mũi, tương đương với 2,3% dân số khu vực này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục