Sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp chưa tương xứng với nguồn lực

08:22' - 18/11/2017
BNEWS Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu luôn là điều trăn trở trong quá trình thực hiện cổ phần hóa của nước ta.
Xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hoá trong thời gian qua. Ảnh minh họa: TTXVN

Thực tế cho thấy, các các doanh nghiệp nhà nước hiện hoạt động chưa hiệu quả, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư.

Không những thế, nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn vẫn còn xảy ra 

*“Ôm đất vàng” chờ lách luật 

Theo Bộ Tài chính thì kết thúc năm tài chính 2016, có 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. 

Trong đó có 7 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước; 17 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - con; 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ ngành, địa phương. 

Tổng tài sản của các doanh nghiệp năm 2016 là 3.050.088 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2015.

Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 36% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp là hơn 1,39 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2015.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp để sử dụng có hiệu quả hơn nữa hơn 1,39 triệu tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Hiện nay, việc tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chậm.

Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu Nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp.
Thời gian qua có một số hiện tượng như doanh nghiệp “ôm đất vàng” khi cổ phần hóa gây thất thoát ngân sách và lãng phí hạ tầng.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình cổ phần hoá trong thời gian qua.

Bộ Tài chính đang khẩn trương sửa một số quy định liên quan, nhằm ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nắm giữ diện tích đất đang quản lý mặc dù không phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.
Đối với những trường hợp doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất lớn, không còn nhu cầu sử dụng nhưng kêu gọi liên doanh, hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp như một hình thức lách luật để chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, việc thu hồi đất của doanh nghiệp Nhà nước do pháp luật về đất đai quy định.

Ngoài ra, để xử lý việc này từ nhiều năm nay các cơ quan Nhà nước đang thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; trong đó có nhà, đất của doanh nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Do vậy, theo ông Đặng Quyết Tiến, việc kiến nghị bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 91/2015/NĐ-CP nội dung quy định về việc doanh nghiệp không góp vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản bao gồm cả trường hợp không được góp vốn bằng giá trị thương quyền sử dụng đất (giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước) là chưa phù hợp với quy định của Luật số 69/2014/QH13, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, hạn chế hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp nhất là khi doanh nghiệp đó hoạt động theo đúng ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Về vấn đề này Bộ Tài chính trình Chính phủ không phải sửa đổi, bổ sung mà doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai như đã quy định tại Điều 28 Luật số 69/2014/QH13 (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp) và Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.
*“Vừa đá bóng vừa thổi còi”
Một trong những nguyên nhân lớn khiến cho việc quản lý sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn là phần lớn các doanh nghiệp này vẫn có bộ chủ quản hoặc chính quyền cấp tỉnh chủ quản.

Chính việc đóng cả 2 vai, vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý nhà nước đã dẫn tới tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cùng lúc thực hiện hai chức năng trên nên dễ gây xung đột lợi ích trong việc ban hành chính sách với chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Từ đó có thể làm vô hiệu hóa việc giám sát của Nhà nước đối với các doanh nghiệp Nhà nước độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường, không phù hợp các cam kết với WTO.
Do vậy, vấn đề cần giải quyết là lựa chọn mô hình tổ chức để thực hiện hiệu quả mối quan hệ này, thực hiện đúng trách nhiệm quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, công khai và minh bạch.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, để sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước đang nằm tại các doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta có thể áp dụng mô hình mà Singapore đã thực hiện thành công.

Đó là tổ chức đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước theo hình thức công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước.
Tập đoàn Temasek của Singapore tổ chức kinh doanh vốn đầu tư nhà nước hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, được các tổ chức Standard&Poors và Moody đánh giá đạt mức tín nhiệm AA và Aaa.
Tổng danh mục đầu tư của Temasek tính đến 31/3/2016 là 242 tỷ đô la Singapore, tăng gần 2 lần so với năm 2006.

Temasek hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân, các quyết định đầu tư dựa trên tính hiệu quả về kinh tế và thương mại, còn việc cấp vốn được thực hiện thông qua Bộ Tài chính Singapore trên cơ sở dự toán đầu tư vốn đã được Quốc hội phê chuẩn.
Ở Việt Nam, mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) cũng được thành lập trên cơ sở tham khảo mô hình Temasek.

Hiện SCIC đang hoạt động với mục tiêu tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp; thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao; đầu tư vốn vào các tập đoàn, tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước nắm giữ quyền chi phối và các dự án theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực đem lại hiệu quả kinh tế…
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, theo GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thì SCIC chưa đạt mục tiêu trọn vẹn khi nhiều doanh nghiệp cả Trung ương và địa phương sau cổ phần hóa thuộc diện phải bàn giao cho SCIC nhưng đã chậm trễ hoặc lảng tránh không bàn giao.
Mặt khác SCIC chỉ dừng lại ở mức nhận vốn từ những doanh nghiệp trực thuộc bộ ngành và UBND tỉnh, thành phố sau cổ phần hóa, còn những doanh nghiệp thuộc tổng công ty và tập đoàn sau cổ phần hóa vẫn do các tổng công ty và tập đoàn này nắm giữ.

Tới lượt mình, các tập đoàn, tổng công ty và một số doanh nghiệp độc lập vẫn trực thuộc các bộ ngành, địa phương, tức là vẫn tồn tại cơ quan chủ quản.
Do đó, một trong số những giải pháp nhằm tiếp tục tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước vừa được Chính phủ ban hành tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước là đến năm 2018 sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện sở hữu đối vốn Nhà nước.
TS Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho rằng khi xem xét lựa chọn mô hình quản lý doanh nghiệp Nhà nước mục tiêu hàng đầu phân tách quản lý hành chính Nhà nước và quản lý doanh nghiệp, phân tách giữa chính trị và kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.
Để mô hình quản lý theo hình thức doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả mong đợi, TS Nguyễn Viết Lợi cho rằng cần nâng cao năng lực ở cả 3 khâu là quản lý vốn từ phía chủ sở hữu, tạo môi trường nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giám sát hiệu quả sử dụng vốn.

Tránh việc chỉ chú trọng vào 1 - 2 khâu đều làm hiệu lực quản lý không đạt yêu cầu. Ngoài ra, mô hình này cũng cần tạo thuận lợi cho việc áp dụng các thông lệ tốt trong quản trị doanh nghiệp.

Thực hiện công khai minh bạch đối với việc sử dụng vốn Nhà nước và công tác quản lý của các khâu trong mô hình quản lý.
Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng để sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được hiệu quả, Chính phủ cần ban hành sớm Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần, ban hành Nghị định phê duyệt điều lệ hoạt động của các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước...
Đồng thời, thực hiện nhất quán mục tiêu của Luật số 69/2014/QH13, Nhà nước chỉ đầu tư vốn cho các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thuộc 4 lĩnh vực: doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế./.
Xem thêm:

>>>Đâu là bài học chống thất thoát vốn nhà nước?

>>>Bộ Công Thương sẽ hoàn tất thoái vốn Nhà nước tại Sabeco trong tháng 12

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục