Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của BoJ và Fed đang trở nên rõ rệt

16:58' - 17/03/2022
BNEWS Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày vào ngày 17/3 và kỳ vọng chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng này sẽ không thay đổi do tác động bởi Nga-Ukraine.

Chính sách tiền tệ của BoJ đang đi ngược so với chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi Fed đã tiến hành tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 16/3, lần đầu tiên kể từ năm 2018. Điều này cho thấy rõ mức độ lo ngại khác nhau của hai cường quốc kinh tế về việc lạm phát tăng tốc trong bối cảnh COVID-19 gây ra tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và giá cả hàng hóa tăng vọt.

 
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang giảm bớt hoạt động mua tài sản và tiến tới bình thường hóa chính sách để chống lạm phát khi căng thẳng Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

BoJ dự kiến sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và hướng lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm về mức 0% để giúp nền kinh tế vượt qua các tác động của những quy định hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Đồng yen gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm so với USD, phản ánh chính sách khác nhau của BoJ và Fed. Đồng yen suy yếu hơn nữa có thể khiến các công ty bảo toàn lợi nhuận bằng cách chuyển chi phí nhập khẩu cao hơn cho người tiêu dùng, những người cũng đang bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng cao thời gian qua.

Trong tháng 1/2022, chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống dễ biến động, tăng 0,2% so với một năm trước đó, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của BoJ đặt ra. Ngược lại, lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã tăng 7,9% trong tháng Hai so với một năm trước đó, mức tăng nhanh nhất trong khoảng 4 thập kỷ.

BoJ đã cam kết duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ của mình cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Trước cuộc họp chính sách mới nhất này, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda đã bác bỏ quan điểm cho rằng lạm phát giá hàng hóa sẽ giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu một cách bền vững và ổn định.

Giá hàng hóa tăng cao có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của Nhật Bản, đất nước vốn nghèo tài nguyên, với chi phí nhập khẩu tăng thêm do đồng yen suy yếu. Ủy ban Chính sách BoJ đang kiểm tra tình hình nền kinh tế Nhật Bản, với các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 tại tất cả 18 tỉnh sẽ kết thúc vào ngày 21/3 tới.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế được công bố vào tháng 1/2022, BoJ cho biết "sự khởi sắc” của nền kinh tế Nhật Bản đã trở nên rõ ràng khi tác động của đại dịch COVID-19 ở trong nước và ngoài nước đã giảm dần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục