Sự khởi sắc tại 3 dự án sản xuất phân bón của Vinachem

18:20' - 25/05/2023
BNEWS Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương đang có những chuyển biến mới.

Theo cập nhật mới của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương đang có những chuyển biến mới. Đặc biệt trong đó phải kể đến 3 dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Gồm Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.

*Lợi nhuận nghìn tỷ

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án tại Vinachem, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.

 

Đối với 3 dự án sản xuất phân bón của Vinachem gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Bộ Chính trị cũng đã có văn bản đồng ý về chủ trương các biện pháp cơ cấu lại nợ vay đối với 3 dự án, doanh nghiệp này theo đề nghị của CMSC.

Bước đầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của 3 dự án, doanh nghiệp này đã có nhiều kết quả tích cực; doanh nghiệp làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.

Với Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, công ty duy trì chạy máy an toàn, ổn định, liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đạt hiệu quả cao. Năm 2022, hiệu quả sản xuất, kinh doanh đạt cao nhất từ trước tới nay với lợi nhuận thực hiện là 1.779 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình đã duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả trong vận hành hệ thống máy móc thiết bị với phụ tải cao, cơ bản chủ động được vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, trả được bớt nợ cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và các ngân hàng, không phải phụ thuộc vào khách hàng để ứng vốn trước mua vật tư sản xuất.

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp Đạm Ninh Bình đạt 6.009 tỷ đồng, bằng 134% so với kế hoạch năm và bằng 150% so với thực hiện năm 2021; tổng doanh thu ước đạt 6.039 tỷ đồng, bằng 135% với kế hoạch năm và đạt bằng 148% so với thực hiện năm 2021; ước lãi 928 tỷ đồng.

Còn lại, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai cũng đã cơ bản thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và kiểm soát hiệu quả các định mức so với kế hoạch, qua đó duy trì ổn định hoạt động. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 đạt lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, giảm lỗ 317 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022 và giảm lỗ 128 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.

*Chuyển biến tích cực

Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam liên quan đến việc khắc phục các tồn tại trong an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường tại 3 doanh nghiệp này, Vinachem cho biết, đơn vị đã có 2 đợt kiểm tra, giám sát định kỳ và cử cán bộ giám sát thường xuyên.

Qua kiểm tra cho thấy, sau 6 tháng thực hiện công tác về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường, hầu hết các đơn vị đã chủ động duy trì, thực hiện vệ sinh sạch sẽ mặt bằng nhà xưởng, tuyến đường nội bộ, vỉa hè, hệ thống máy móc…; đã xử lý các điểm rò, xì hơi, khí nước; bảo dưỡng thiết bị và bổ sung hướng dẫn quy trình vận hành công nghệ tại vị trí công tác…

Trong phòng chống cháy nổ, các đơn vị đã chủ động rà soát bổ sung các phương tiên, vật tư dự phòng đảm bảo sẵn sang ứng phó khi có tình huống cháy nổ xảy ra; bố trí lại vị trí các thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy đảm bảo dễ nhìn, dễ lấy…

Đặc biệt, trong bảo vệ môi trường, việc quản lý chất thải khí, nước, chất thải rắn đã được các đơn vị thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; trong đó, quản lý chất thải rắn có nhiều chuyển biến tích cực.

Hầu hết chất thải rắn được thu gom, phân loại, lưu trữ và xử lý theo quy định của pháp luật. Hệ thống quan trắc môi trường được thực hiện online với khí thải, nước thải và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định pháp luật.

Đại diện lãnh đạo Vinachem cho biết, công ty cũng đã chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát bãi thải gyps hang ngày và ghi chép vào sổ theo dõi đầy đủ tuân thủ theo phương án để có cơ sở đánh giá, phát hiện, xử lý kịp thời những nguy cơ mất an toàn.

Những tưởng các dự án này đã rơi vào bế tắc, nhưng những con số về doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Trải qua nhiều nỗ lực tái cơ cấu, đề xuất ưu đãi, và từ chính nỗ lực của người lao động, có thể nhận thấy, đến hiện tại, 3 dự án vốn nằm trong danh sách yếu kém của Vinachem đã có nhiều tín hiệu khởi sắc.

*Quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ

Theo đại diện lãnh đạo Vinachem cho hay, thời gian tới, riêng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón, tập thể người lao động tập đoàn nỗ lực để đạt được kế hoạch cả năm 2023 với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30.343 tỷ đồng; doanh thu đạt 31.865 tỷ đồng; lợi nhuận lãi 1.480 tỷ đồng.

Theo đó, Vinachem sẽ tiếp tục phát huy tối đa năng lực sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường năng lực vận hành, bảo trì hệ thống dây chuyền sản xuất đảm bảo sản xuất ổn định, phát huy tối đa công suất máy móc, giảm thiểu thời gian phải dừng máy do sự cố thiết bị; bám sát biến động của thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hợp lý, cân đối giữa tiêu thụ và sản xuất, mua nguyên vật liệu đảm bảo ít bị ảnh hưởng khi có biến động giá nguyên vật liệu cũng như sản phẩm;

Đồng thời, tập đoàn tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có hàm lượng dinh dưỡng cao, phân hữu cơ, sản phẩm thích ứng với với biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng và định phát triển nông nghiệp xanh; Tập trung củng cố và phát triển thị trường chính trong nước. 

Cùng đó là các biện pháp tiết giảm chi phí trong sản xuất, xây dựng các biện pháp tăng cường tiết kiệm, giảm chi phí trong sản xuất như chi phí về năng lượng, định mức tiêu hao, chi phí sửa chữa thường xuyên, chi phí sửa chữa lớn, chi phí bán hàng, chi phí tài chính.

Trong lĩnh vực an toàn lao động và bảo vệ môi trường, tập đoàn sẽ tiếp tục đôn đốc, tăng cường kiểm tra, giám át các đơn vị để hoàn thành các nhiệm vụ, tiến độ khắc phục; theo dõi các tồn tại, vướng mắc phát sinh trong viêc đảm bảo môi trường và an toàn lao động để kịp thời báo cáo lãnh đạo tập đoàn…

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những khó khăn của tập đoàn, đại diện Vinachem cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sớm sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất từ 0% đến 5%.

Cùng đó, Ủy ban và Bộ Công Thương có ý kiến đối với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng về việc duy trì biện pháp phòng vệ đối với với sản phẩm phân DAP và MAP nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm sự lành mạnh của thị trường, tạo điều kiện sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nước, nhằm đạt mục tiêu xây dựng nền kinh tế tự chủ, tránh phụ thuộc vào bên ngoài.

Đồng thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về việc xử lý Gyps làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng; đáp ứng lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2022 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Với các giải pháp đề ra, sự nỗ lực, quyết tâm trong sản xuất kinh doanh của người lao động Tập đoàn, cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các cấp bộ, ngành giải quyết những khó khăn vướng mắc theo kiến nghị của Tập đoàn, Vinachem tin tưởng rằng, kế hoạch sản xuất kinh doanh và những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023, giai đoạn tiếp theo sẽ được hoàn thành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục