Sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý kiểm tra chuyên ngành

18:32' - 09/06/2022
BNEWS Đến nay có 100% thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện tự động trên Hệ thống VNACCS/VCIS, với số lượng doanh nghiệp tham gia trên 99%, thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 đến 3 giây.

Ngày 9/6,  tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về Trung tâm quản lý rủi ro (QLRR) liên ngành tập trung và thảo luận khả năng thành lập mô hình Trung tâm QLRR liên ngành tập trung phù hợp với Việt Nam để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, những năm qua thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có những bước cải thiện đáng kể. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tỷ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã giảm từ 30% năm 2015 xuống còn 19%. Đến nay có 100% thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện tự động trên Hệ thống VNACCS/VCIS, với số lượng doanh nghiệp tham gia trên 99%, thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 đến 3 giây.

 

Tuy nhiên, ông Cường cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn còn tồn tại, gồm thực hiện kiểm tra hải quan theo yêu cầu quản lý chuyên ngành; nội dung, phương thức kiểm tra, hiệu quả kiểm tra; thông tin, dữ liệu phân tán, chưa thống nhất, đồng bộ, kịp thời; chưa có cơ quan đầu mối chủ trì, quản lý chung các nội dung liên quan đến quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành.

Trước thực tế đó, Chính phủ cũng đã đặt ra yêu cầu đối với các bộ, ngành là tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua việc rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành; nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

 Trong đó, một yêu cầu quan trọng được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP là “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, kiến nghị xây dựng Trung tâm dữ liệu quản lý rủi ro để thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước”.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Việt, Phó Phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu Thương mại, Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan cho biết, đến nay công tác kiểm tra chuyên ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo hướng cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, bãi bỏ nhiều quy định không cần thiết. Cùng với đó, ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm danh mục, chi tiết danh mục kèm mã số HS. Đặc biệt đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành ở những mức độ, hình thức khác nhau.

Ngoài ra, quy định chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành cũng đã được xử lý theo hướng giao 1 đơn vị/cơ quan thực hiện kiểm tra, quản lý. Tỷ lệ kiểm tra giảm từ 30% năm 2015 xuống còn 19,1% năm 2019 và còn hơn 14% năm 2021.

Ông Nguyễn Thế Việt cũng chỉ ra thực tế vẫn còn nhiều tồn tại bất cập như việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật chưa thật sự triệt để, còn mang tính chất giải quyết tình thế, không đồng bộ; hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều; chưa ban hành đầy đủ mã số HS đối với danh mục hàng hóa; trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất giữa các văn bản quy định, giữa quy định và thực tế triển khai; còn tồn tại những quy định chưa phù hợp, quá mức cần thiết như kiểm tra theo từng lô hàng, từng chủ hàng. Đặc biệt, còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; việc thừa nhận, công nhận hàng hóa nước ngoài có chất lượng cao còn hạn chế.

Cùng với đó, nguyên tắc quản lý rủi ro đã được áp dụng nhưng chưa đầy đủ, hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế; thông tin dữ liệu phân tán, đơn lẻ, chưa có cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Chia sẻ về kinh nghiệm từ Hoa Kỳ trong việc thành lập Trung tâm quản lý rủi ro ở Việt Nam, ông Daniel Baldwin, Chuyên gia Quốc tế Dự án tạo thuận lợi thương mại của USAID cho biết, điều quan trọng khi nói tới trọng tâm xây dựng mô hình Trung tâm này là cần xác định duy trì được sự minh bạch trong các cơ quan liên ngành khác nhau. Ba hình thức có thể áp dụng khi xây dựng mô hình, gồm ủy quyền, hợp tác giao ủy quyền hoặc đưa các bộ tham gia biệt phái tại Trung tâm. Ngoài ra, để quản lý rủi ro liên ngành tập trung, Hoa Kỳ còn xây dựng Hội đồng điều hành biên giới liên ngành (BIEC).

Để hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực kiểm tra đánh giá trong hải quan, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã thực hiện Dự án Tạo thuận lợi Thương mại trong 5 năm, với chi phí 21,7 triệu USD nhằm mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro tại các cơ quan hải quan và kiểm tra chuyên ngành.

Dự án phối hợp với Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính nhằm chuẩn hóa các thủ tục hải quan, tăng cường sự phối hợp ở cấp Trung ương và cấp tỉnh cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ hải quan. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục