Sửa đổi Luật Đấu thầu: Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu

16:13' - 19/04/2025
BNEWS Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu là một trong những nội dung được xem xét sửa đổi, bổ sung tại Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 7 luật ngành tài chính (trong đó có Luật Đấu thầu).
Bộ Tài chính cho biết, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu là một trong những nội dung đang được xem xét sửa đổi, bổ sung tại Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 7 luật ngành tài chính (trong đó có Luật Đấu thầu) để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra tháng 5/2025.

Để áp dụng được cơ chế ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, tại văn bản góp ý xây dựng Dự thảo 1 luật sửa 7 luật (trong đó có Luật Đấu thầu 2023), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, cần có tiêu chí rõ ràng, minh bạch, xác định thế nào là “sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam”; bổ sung cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá.

 
Thực tế cho đến nay, Việt Nam chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể, đầy đủ và có giá trị pháp lý cao về tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam. Việc thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng đã gây lúng túng cho các bên trong việc xác định cũng như áp dụng ưu đãi, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp và khiếu kiện từ phía nhà thầu.

Khó khăn trên đã được nêu ra từ lâu, nhưng theo VCCI, Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành các quy định về ghi nhãn “made in Vietnam” hoặc tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa nội địa. Trong khi đó, để bảo đảm việc thực thi hiệu quả quy định ưu đãi trong đấu thầu, cần có một cơ chế xác định rõ ràng, dễ áp dụng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong khi chờ Luật Đấu thầu (sửa đổi) xem xét gỡ khó khăn nêu trên, VCCI đề nghị, trước mắt có thể sử dụng cơ chế Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do VCCI cấp theo thông lệ quốc tế làm căn cứ xác định hàng hóa có xuất xứ nội địa để áp dụng chính sách ưu đãi trong đấu thầu. Đây là công cụ đang được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế, có quy trình rõ ràng, đã được công nhận bởi các đối tác thương mại của Việt Nam và có thể áp dụng với bối cảnh trong nước.

Bên cạnh đề xuất bổ sung đối tượng hưởng chính sách ưu đãi trong ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chí xác định sản phẩm sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam cũng cần được làm rõ để các bên có căn cứ tính ưu đãi, bảo đảm tính khả thi trong ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp, nhà thầu cho biết, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh tỷ lệ sản xuất trong nước đối với mặt hàng dự thầu. Nhiều trường hợp, dù đã kê khai là hàng sản xuất trong nước trong hồ sơ dự thầu, nhưng do không cung cấp được tài liệu chứng minh cụ thể cho bên mời thầu nên nhà thầu đã không được tính ưu đãi…

Trước những ý kiến góp ý và đề xuất nêu trên, Ban soạn thảo cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu với dự kiến đưa vào Nghị định hướng dẫn chi tiết về ưu đãi trong đấu thầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục