Sửa Luật Bảo hiểm y tế để chăm sóc hiệu quả sức khoẻ người dân

11:59' - 18/10/2018
BNEWS Theo Bộ Y tế, việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong quy định, tổ chức thực hiện.
Nhân viên y tế giải quyết các thủ tục khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh: TTXVN

Hội thảo định hướng chính sách về sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 18/10, tại Hà Nội nhằm thảo luận, tổng kết, đánh giá những vấn đề trọng tâm trong chính sách bảo hiểm y tế và đề xuất nội dung liên quan đến định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế.

Tại hội thảo, các đại biểu được cập nhật thông tin về thực trạng, triển khai chính sách pháp luật bảo hiểm y tế giai đoạn 2015-2018; thảo luận về những tồn tại, bất cập của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành.

Trên cơ sở đó, các đại biểu xác định cách tiếp cận sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế dựa trên bài học kinh nghiệm trong nước, quốc tế...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn,Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Quá trình thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực.

Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 86,9% dân số. Tỷ lệ đóng góp từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng chi y tế tăng qua các năm.

Bảo hiểm y tế đã đóng góp phần quan trọng vào tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khoẻ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong quy định, tổ chức thực hiện.

Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong đó, phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, mức hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế…

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế là cần thiết nhằm khắc phục khó khăn vướng mắc để bảo hiểm y tế là công cụ hữu hiệu trong chăm sóc sức khoẻ toàn dân theo hướng công bằng, hiệu quả.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng nhóm chuyên gia, đã giới thiệu hệ thống chính sách pháp luật hiện hành về bảo hiểm y tế.

Ông cho rằng về cơ bản chính sách pháp luật bảo hiểm y tế đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng cần sửa đổi một số nội dung để tránh ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khoẻ của người dân trong thời gian tới.

Qua nghiên cứu, tham khảo Luật Bảo hiểm y tế ở một số nước, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên gợi ý một số chính sách sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng: Sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế; tiếp tục khẳng định thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; mở rộng phạm vi chi trả để sử dụng quỹ có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ bảo hiểm y tế; có lộ trình và địa chỉ chịu trách nhiệm.

Đề cập đến tình hình thực hiện bảo hiểm y tế tại Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Tất Thao, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đề xuất: Cần phát triển đối tượng và công tác thu bảo hiểm y tế tập trung vào đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bền vững, thay đổi phương thức thu bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó cần tăng chế độ xử phạt đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng nhằm đảm bảo công bằng giữa công và tư; xem xét lại chính sách thông tuyến và miễn cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh khi tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục, có chi phí cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; bổ sung đầy đủ công cụ và phương pháp giám định…

Liên quan đến sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo chuyên gia về định hướng sửa đổi luật tại Hà Nội (ngày 21/6/2018) và hội thảo về sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế mở rộng khu vực phía Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 18/8/2018)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục