Sức ép đối với đội bay của Jeju Air

19:12' - 10/01/2025
BNEWS Trả lời hãng tin Reuters, Jeju Air khẳng định họ không hề bỏ qua các quy trình bảo trì và sẽ tăng cường các nỗ lực về an toàn.
Trước khi xảy vụ tai nạn chết người, hãng hàng không giá rẻ Jeju Air đã tăng tốc hoạt động, khi đạt kỷ lục về số lượng hành khách và khai thác máy bay nhiều hơn so với các hãng đối thủ trong nước cũng như nhiều hãng hàng không quốc tế khác.

Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ sử dụng cao của máy bay Jeju Air - tức số giờ bay mỗi ngày - không phải là vấn đề, nhưng điều đó đồng nghĩa là việc lên lịch đủ thời gian cho công tác bảo trì là vô cùng quan trọng.

 
Trong quá trình điều tra vụ việc liên quan đến chiếc Boeing 737-800, cảnh sát đã tiến hành khám xét văn phòng của hãng hàng không này ở Seoul để thu giữ các tài liệu liên quan đến hoạt động vận hành và bảo trì máy bay.

Ông Anthony Brickhouse, chuyên gia về an toàn hàng không và điều tra tai nạn, cho biết các nhà điều tra sẽ xem xét mọi thứ, bắt đầu với lịch sử tai nạn và an toàn của hãng. Họ sẽ tìm hiểu xem hãng đã từng gặp sự cố gì trong quá khứ, điều gì đã xảy ra và các biện pháp khắc phục đã được thực hiện như thế nào.

Trả lời hãng tin Reuters, Jeju Air khẳng định họ không hề bỏ qua các quy trình bảo trì và sẽ tăng cường các nỗ lực về an toàn. Vụ tai nạn ngày 29/12 vừa qua, khiến 179 người thiệt mạng, là tai nạn chết người đầu tiên của hãng kể từ khi thành lập vào năm 2005, và cũng là vụ tai nạn đầu tiên của  hàng không Hàn Quốc nào trong hơn một thập kỷ.

Ông Kim E-bae, Giám đốc điều hành của Jeju Air, người đã bị cấm xuất cảnh trong quá trình điều tra, cho biết tại một cuộc họp báo vào tuần trước rằng, công tác bảo trì của Jeju Air tuân thủ các tiêu chuẩn quy định, và không có vấn đề gì với chiếc máy bay xấu số trong quá trình kiểm tra trước chuyến bay. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, trước đây, các biện pháp an toàn của hãng hàng không vẫn chưa đủ nhưng hãng đã có những cải thiện.

Các nhà chức trách chưa đưa ra kết luận rằng việc bảo trì kém đã gây ra vụ tai nạn, và các tình huống chính xác đằng sau thảm họa vẫn còn chưa rõ ràng. Các nhà điều tra đã thu hồi hộp đen buồng lái và dữ liệu chuyến bay nhưng chưa công bố bất kỳ thông tin chi tiết nào.

Cơ quan quản lý giao thông của Hàn Quốc đang tiến hành kiểm tra tất cả 101 chiếc Boeing 737-800 đang hoạt động trong nước, trong đó hơn 1/3 do Jeju Air khai thác. Cuộc kiểm tra này tập trung vào tần suất và chất lượng bảo trì máy bay, cũng như các yếu tố khác.

Mặc dù không ghi nhận vi phạm nào trong hai năm qua, song trong giai đoạn 2020-2022, tức là ngay trong và sau đại dịch COVID-19 Jeju Air đã bị phạt và đình chỉ hoạt động vì vi phạm luật hàng không nhiều hơn các hãng đối thủ trong nước

Theo dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải về các hãng hàng không lớn từ năm 2020 đến tháng 8/2024, Jeju Air đã bị phạt khoảng 2,3 tỷ won (tương đương 1,57 triệu USD) và các máy bay liên quan đã phải ngừng hoạt động tổng cộng 41 ngày. Hãng hàng không bị phạt nhiều thứ hai, T'way Air, đã bị phạt 2,1 tỷ won và đình chỉ hoạt động trong bốn ngày trong cùng giai đoạn.

Dữ liệu cho thấy, Jeju Air khai thác máy bay của mình nhiều hơn bất kỳ hãng hàng không lớn nào khác trong nước, và cũng vượt xa các đối thủ toàn cầu như Ryanair của Ireland và AirAsia của Malaysia.

Các chuyên gia cho biết, tỷ lệ sử dụng máy bay cao được đánh giá là một chỉ số về hiệu quả kinh tế, đặc biệt là đối với các hãng hàng không giá rẻ.

Jeju Air, hãng hàng không xếp sau Korean Air và Asiana Air về số lượng hành khách tại Hàn Quốc, đã đạt kỷ lục về số lượng hành khách trong năm 2024. Số giờ sử dụng hàng tháng của máy bay chở khách của hãng trong năm 2023 đã gần như tăng gấp đôi lên 412 giờ so với năm 2022, cao hơn so với mức 332 giờ của Korean Air và 304 giờ của Asiana Airlines.

Ông Sim Jai-dong, Giáo sư về bảo trì máy bay tại trường đại học Sehan ở Hàn Quốc, cho rằng, bản thân tỷ lệ sử dụng không phải là một vấn đề, nhưng có thể gây ra sự mệt mỏi nhiều hơn cho phi công, thành viên phi hành đoàn và thợ máy do tỷ lệ sử dụng cao hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục