Tác động kinh tế đến Cuba nếu Mỹ thay đổi chính sách (Phần 1)

17:17' - 23/03/2017
BNEWS Mặc dù Cuba được hưởng lợi kinh tế nhờ vào những mối quan hệ đã được cải thiện với Mỹ, nhưng trong tình hình hiện nay, khó có thể đoán định liệu tiến trình này có tiếp tục hay không.
Những hành khách Mỹ đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ đáp xuống một sân bay Cuba từ một chuyến bay thương mại thông thường. Ảnh: Vũ Lê Hà - Phóng viên TTXVN tại Cuba

Theo báo mạng “La pupila insomne”, nếu chính quyền Donald Trump áp dụng đường lối cứng rắn, điều đó sẽ ảnh hưởng tới những người khởi nghiệp tư nhân non trẻ tại Cuba hơn là tới thành phần kinh tế nhà nước, và đồng thời điều đó cũng sẽ củng cố những nỗ lực của La Habana trong việc tìm kiếm những đối tác khác.

Chính phủ mới của ông Donald Trump đang đe dọa đảo ngược tiến trình xích lại gần nhau giữa Cuba và Mỹ mà Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama khởi xướng, thế nhưng liệu quyết định này sẽ gây thiệt hại tới đâu cho nền kinh tế Cuba?

Tuyên bố lịch sử về tái thiết lập quan hệ ngoại giao của Chủ tịch Cuba Raúl Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đánh dấu một bước ngoặt đối với Cuba.

Trong nửa cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, một loạt bước đi hành pháp và thỏa thuận song phương đã phần nào giảm nhẹ một số biện pháp trừng phạt dai dẳng của Washington chống La habana và củng cố hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường và an ninh.

Cho tới nay, tác dụng kinh tế trực tiếp quan trọng nhất của tiến trình xích lại gần nhau giữa Cuba và Mỹ là việc lượng khách quốc tế tới Cuba tăng đáng kể.

Từ năm 2014 tới năm 2016, số khách Mỹ thăm Cuba đã tăng gấp ba lần và đạt 285.000 lượt người. Mặc dù lượng khách Mỹ vẫn chỉ chiếm chưa tới 1/10 số khách quốc tế tới Cuba, việc Washington thay đổi chính sách với La Habana cũng mang lại mức tăng bất thường lượng khách từ các nước khác.

Những du khách từ châu Âu và Canada cùng các nơi khác trên thế giới dường như vội vàng đổ về Cuba trước khi hòn đảo này “biến đổi” khi mở cửa hoàn toàn cho du khách và doanh nhân Mỹ.

Theo số liệu chính thức mà Văn phòng Thống kê và Thông tin quốc gia (ONEI) của Cuba công bố, từ năm 2014 đảo quốc Caribe này đã ghi nhận tăng trưởng bùng nổ về lượng du khách, với mức tăng 16% trong năm 2015 và 13% trong năm 2016.

Nếu áp dụng các số liệu chính thức về nguồn thu từ du lịch trong năm 2015 và đề ra giả thuyết rằng các nguồn thu này tăng tương đương với mức tăng lượng du khách, có thể ước tính nguồn thu từ ngành “công nghiệp không khói” của Cuba trong năm 2016 có thể ở mức 3,4 tỷ USD.

Sân bay Cuba lập kỷ lục về mức tăng trưởng lượng khách quốc tế. Ảnh: Sputnik

Các khoản chi tiêu tại chỗ của lượng khách ngày càng tăng này chính là lực đẩy đặc biệt mạnh mẽ cho sự vươn lên của thành phần kinh tế tư nhân, với các dịch vụ như nhà trọ, quán ăn và phương tiện di chuyển.

Tại thủ đô La Habana, nơi mà giá cả nhiều mặt hàng và dịch vụ đã tăng gấp đôi trong hai năm qua, du lịch phát triển đã mang lại lợi nhuận lớn cho những nhà “khởi nghiệp” nắm bắt đúng thời điểm. Những nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, cả hợp pháp và bất hợp pháp, trong các lĩnh vực khác như xây dựng hay cơ khí, cũng được hưởng lợi tương tự theo phản ứng dây chuyền.

Trên thực tế, Tổng thu nhập quốc nội của Cuba bị sụt giảm trong năm 2016 (theo báo cáo chính thức trước Quốc hội Cuba) bất chấp những chính sách nới lỏng cấm vận của Mỹ cũng như thực tế là du khách và kiều hối tăng cao.

Du lịch và kiều hối, mặc dù quan trọng, không phải là những tác nhân quyết định nhất của nền kinh tế Cuba. Nguồn thu từ du lịch chỉ chiếm 15% tổng các nguồn thu ngoại tệ của Cuba, và kiều hối, dù không có số liệu thống kê chính thức, cũng chỉ chiếm một tỷ lệ tương tự.

Xem thêm:

>> Chủ tịch Cuba chỉ trích các chính sách mới của Mỹ

>> Thượng nghị sỹ Mỹ cam kết hợp tác với Cuba đấu tranh chống cấm vận

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục