Tác động chính trị đối với thị trường chứng khoán châu Âu

05:30' - 18/04/2017
BNEWS Những điểm nóng chính trị đã và đang tác động tiêu cực đến mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh toàn cầu. Diễn biến trên các thị trường chứng khoán cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng này.
Tác động chính trị đối với thị trường chứng khoán châu Âu. Ảnh: Reuters

Từ đầu năm 2017 đến nay, thế giới chứng kiến nhiều sự kiện chính trị lớn, từ chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các cuộc bầu cử tại Đức, Pháp, Hà Lan, căng thẳng ngoại giao leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước trong Liên minh châu Âu (EU), các cuộc khủng hoảng từ Syria cho tới CHDCND Triều Tiên, khởi động tiến trình Vương quốc Anh rời EU (Brexit)...

Theo đánh giá của các nhà phân tích, vụ tấn công của Mỹ vào một căn cứ không quân ở Syria tuần trước hầu như không làm dao động các thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tình hình thị trường trong tuần trước Lễ Phục sinh đã phần nào bị hạn chế do những bất ổn chính trị từ khủng hoảng Syria cho đến Triều Tiên.

Vụ tấn công của Mỹ nhằm vào Syria là một sự bất ngờ lớn, ngay cả đối với các thị trường tài chính quốc tế. Sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến ở Syria và cuộc đối đầu với Nga có thể làm cho thị trường chứng khoán một lần nữa bị chính trị hóa (hay còn gọi là chứng khoán chính trị).

Còn Thổ Nhĩ Kỳ vừa tiến hành bỏ phiếu về một cuộc trưng cầu hiến pháp. Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù đến nay thị trường chứng khoán chưa có nhiều thay đổi, nhưng những tác động sau kết quả trưng cầu dân ý thì chưa thể khẳng định được.

Khi phân tích về những tác động của chính trị đến thị trường chứng khoán, các chuyên gia đã có sự so sánh đối chiếu với những điều tương tự đã xảy ra trong quá khứ và kết luận rằng các sự kiện chính trị ảnh hưởng rất ngắn đến giá cả thị trường.

Các chuyên gia tại ngân hàng Sal. Oppenheim, một trong những ngân hàng gia đình lâu đời nhất tại Đức là những người ủng hộ tuyên bố này.

Tuy nhiên, đó chỉ là trong những trường hợp sự kiện chính trị đó không ảnh hưởng đến những yếu tố bền vững của thị trường chứng khoán.

Theo ông Jördis Hengelbrock - nhà quản lý đầu tư tại các ngân hàng tư nhân Cologne, những quyết định chính trị, mà làm thay đổi các yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự bền vững của thị trường chứng khoán, thì sẽ kéo dài hơn.

Để minh chứng cho điều này, các chuyên gia dẫn phân tích về cuộc bầu cử tổng thống Pháp trong thời gian tới. Họ cho rằng, trường hợp đảng cánh hữu của ứng cử viên Marine Le Pen đắc cử có thể sẽ gây ra những tác động mạnh mẽ trên thị trường, mà dự kiến là biến động tiêu cực về giá cả.

Bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia" (FN) - người chủ trương đưa nước Pháp rời EU. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Hengelbrock cảnh báo rằng thị trường cổ phiếu hiện tại khó có thể ước đoán những rủi ro với chiến thắng của bà Le Pen. Nếu nữ chính trị gia này giành chiến thắng, các cuộc tranh luận về khả năng Pháp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ nổ ra và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một thị trường chứng khoán bị chính trị hóa.

Một nữ chuyên gia của ngân hàng Sal. Oppenheim đánh giá: "Nếu bà Le Pen thất bại trong việc làm Pháp rời khỏi châu Âu và khu vực đồng euro thì sự phát triển của thị trường vốn châu Âu cũng vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi những vấn đề khác trong một vài tuần cho đến vài tháng".

Điều này chứng tỏ rằng lo ngại về tầm ảnh hưởng của các sự kiện chính trị tới thị trường chứng khoán là hoàn toàn có cơ sở.

Trong trường hợp đảng của bà Le Pen thắng cử và việc Pháp rời khỏi châu Âu xảy ra (hay còn gọi là Frexit), châu Âu sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng lớn và điều này có thể dẫn tới những quyết định tiêu cực đối với tương lai của đồng tiền chung.

Do đó, sự kiện chính trị này sẽ tạo ra những tác động lâu dài đối với chính sách tiền tệ của châu Âu, như lãi suất, tỷ giá hối đoái, chính sách kinh tế và triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như những quyết định quan trọng để phát triển thị trường tài chính.

Ảnh hưởng của chính trị tới thị trường chứng khoán sẽ rất lâu dài và tại thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư không dự đoán được.

Tất nhiên, trong trường hợp Frexit không xảy ra thì chính sách tiền tệ vẫn là vấn đề cực kỳ quan trọng với thị trường.

Chính sách của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng xét đến sự chuyển động về giá cổ phiếu. Lãi suất cơ bản của khu vực đồng euro đang duy trì ở mức thấp kỷ lục. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có ba lần tăng lãi suất thì Ngân hàng trung ương châu  u (ECB) duy trì lãi suất bằng 0.

Thành viên ban giám đốc ECB, ông Benoit Coeure đã kêu gọi chính phủ các quốc gia điều chỉnh, đặt dấu chấm hết cho giai đoạn lãi suất bằng 0. Ông Benoit cho rằng các chính phủ, các thành phần kinh tế phải chuẩn bị cho điều này và ông hy vọng khu vực đồng euro sẽ sớm điều chỉnh mức lãi suất hiện tại.

>> Vấn đề Brexit: Biểu tình lớn phản đối Anh chia tay châu Âu

>> Nhiều nước lên tiếng phản đối mô hình "châu Âu đa tốc”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục