Nhiều nước lên tiếng phản đối mô hình "châu Âu đa tốc”

10:41' - 23/03/2017
BNEWS Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski ngày 22/3 tuyên bố mô hình châu Âu “hai tốc độ” sẽ dẫn tới thảm họa, chia rẽ và tan rã.
Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski. Ảnh: Wiadomosci [WP]

Đài phát thanh Ba Lan Radio Poland đưa tin, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Waszczykowski khẳng định rằng việc tăng cường hợp tác khu vực là một xu hướng tự nhiên, bình thường trong Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, điều này không nên dẫn tới việc hình thành một nhóm nước “lãnh đạo” có thể áp đặt ý chí đối với toàn bộ phần còn lại của châu Âu. Tuyên bố của ông Waszczykowski được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU được tổ chức tại Rome (Italy), nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome.

Hội nghị thượng đỉnh Rome có vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của EU sau khi nước Anh rời khỏi khối này.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trước đó cũng đã thảo luận với Thủ tướng Beata Szydło về nội dung mà Warsaw muốn đưa vào tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Rome sắp tới.

Ba Lan muốn đóng vai trò tích cực trong việc soạn thảo văn kiện của Hội nghị Rome với các biện pháp giải quyết những thách thức hiện nay của EU. Tổng thống Duda cho rằng vấn đề quan trọng nhất là Tuyên bố Rome cần phải khẳng định được tầm quan trọng của sự đoàn kết, hợp tác giữa các nước EU theo tinh thần của các Hiệp ước đã ký kết và tôn trọng ý chí của người dân trong việc đưa ra các quyết định chung.

Trước đó, Thủ tướng CH Czech Bohuslav Sobotka ngày 21/3 cũng đã bày tỏ thái độ “không hoan nghênh” đối với khái niệm “châu Âu đa tốc” do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra.

Đài phát thanh Radio Praha của CH Czech cho biết, Thủ tướng Sobotka khẳng định rằng CH Czech trong mấy tháng gần đây đã nhiều lần trình bày lập trường của mình về con đường tiếp theo của EU sau tiến trình Brexit. Ba Lan, Hungary và Slovakia - ba nước còn lại trong Nhóm Visegrad - cũng có quan điểm tương tự như CH Czech.

“Châu Âu đa tốc” là ý tưởng của một nhóm nước, đứng đầu là Đức và Pháp, theo đó các nước thành viên của EU sẽ liên kết trong khuôn khổ của khối với các tốc độ khác nhau, tùy theo thực trạng kinh tế - xã hội của từng nước.

Vào đầu tháng 3/2017 lãnh đạo các nước Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đã ủng hộ mô hình châu Âu “đa tốc” trong hội nghị thượng đỉnh bốn bên tổ chức tại Versailles (Pháp)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục