Tác động của giá dầu thô đến nguồn thu ngân sách

08:48' - 29/12/2018
BNEWS Tổng thu từ dầu thô năm 2014 là 107.000 tỷ đồng, đã giảm còn 66.000 tỷ đồng trong năm 2015, chỉ bằng khoảng 67% so với dự toán; chỉ bằng 54,3% thu ngân sách năm 2013 và 55% năm 2012.
Giá dầu thô phụ thuộc vào nguồn cung và cầu. Ảnh minh họa: Huy Hùng-TTXVN

Trước ảnh hưởng của hàng loạt yếu tố rủi ro địa - chính trị, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC)... giá dầu thế giới năm 2018 có biến động mạnh đã phần nào tác động tới nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do có nguồn thu nội địa khá vững chắc nên ảnh hưởng không đáng kể tới nguồn thu ngân sách Nhà nước của Việt Nam trong năm 2018.

Năm 2018 giá dầu thế giới đã có sự biến động trái chiều khi 9 tháng có xu hướng tăng dần đều, nhưng đến cuối tháng 11, giá dầu lại quay đầu lao dốc và bốc hơi hơn 30% so với mức “đỉnh” 86,74 USD/thùng dầu Brent Biển Bắc, xác lập ngày 3/10. Sang nửa đầu tháng 12, giá dầu thế giới lại đảo chiều và có những phiên liên tiếp tăng giá.

Theo ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), giá dầu thô phụ thuộc vào nguồn cung và cầu. Trong 2 tháng vừa qua, giá dầu thô giảm xuống ngoài dự đoán là do nguồn cung. Một số nước đã khai thác vượt khả năng để bù đắp cho nguồn cung từ Iran sẽ giảm đi. Nhưng trên thực tế nguồn cung của Iran lại tiếp tục đi ra ngoài thị trường. Vì thế, có những giai đoạn dư cung dẫn đến giá giảm sâu. Sau đó, giá dầu có sự phục hồi là do OPEC và Nga đã có cam kết cắt giảm sản lượng.

Tại Việt Nam, sự biến động của giá dầu thô đã có những tác động nhất định tới thu ngân sách Nhà nước. Tổng thu từ dầu thô năm 2014 là 107.000 tỷ đồng, đã giảm còn 66.000 tỷ đồng trong năm 2015, chỉ bằng khoảng 67% so với dự toán; chỉ bằng 54,3% thu ngân sách năm 2013 và 55% năm 2012.

Tỷ trọng trung bình thu từ dầu thô trong tổng thu ngân sách Nhà nước mặc dù giảm từ mức 25% giai đoạn 2000-2008 xuống còn 12% giai đoạn 2009-2015 song giai đoạn này thu từ dầu thô vẫn đóng vai trò quan trọng trong ngân sách Nhà nước. Khoản thu từ dầu thô được thể hiện từ hai khoản thuế thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), ở thời điểm đầu năm 2018, Bộ Tài chính xây dựng dự toán năm trình Chính phủ giá dầu chỉ là mức 50 USD/thùng, nhưng trong quá trình thực hiện có thời điểm trong năm giá dầu đã lên tới 80 USD/thùng. Tính bình quân cả năm giá dầu từ 70-72 USD/thùng, tăng khoảng 20-22 USD/thùng so với dự toán.

“Nhờ giá dầu thô thực hiện tăng cao hơn giá dự toán nên thu ngân sách cũng tăng khả quan, gấp 1,5 lần so với kế hoạch Chính phủ giao”, ông Nguyễn Minh Tân cho biết.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, trước đây thu từ dầu thô trong ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng khá lớn. Vào những năm 2006 - 2010, bình quân thu từ dầu thô chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, nên khi có biến động về giá dầu sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến số thu ngân sách. Nhưng thực tế, đến nay tỷ trọng thu dầu thô trong ngân sách Nhà nước giảm xuống còn 4% trong năm 2018 và dự kiến trong năm 2019 chỉ còn chiếm 3,2%. Như vậy có thể thấy ảnh hưởng từ dầu thô đến ngân sách Nhà nước là không đáng kể.

Với diễn biến thực tế trên thị trường, giá dầu thô năm 2019 đang được dự báo sẽ thấp hơn giá dầu bình quân thực tế của năm 2018, thậm chí với dự báo kém lạc quan nhất là 50 USD/thùng.

Theo Tiến sỹ Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, giá dầu năm 2019 sẽ theo chiều hướng thấp đi. Hiện dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đều bị hạ thấp đi do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó với nguồn cung nước Mỹ vẫn tiếp tục tìm cách tranh giành thị phần với các nước OPEC nên các nỗ lực bắt tay của Nga và OPEC cùng lắm cũng chỉ duy trì được giá dầu ở mức khoảng 50 USD/thùng.

Ông Nguyễn Minh Tân, cho biết năm 2019, Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội dự toán giá dầu ở mức 65 USD/thùng, tăng 15 USD/thùng so với năm 2017.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá dầu thô giảm làm thu ngân sách Nhà nước có thể bị giảm sút nhưng về tổng thể nền kinh tế sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Lý giải việc này, ông Nguyễn Minh Tân, cho biết, giá dầu tác động hai mặt đến nền kinh tế. Nếu giá dầu tăng thì thu ngân sách có lợi nhưng sẽ kéo theo mọi chi phí đầu vào bị đội giá ảnh hưởng tới tăng trưởng sản xuất.

Khi giá dầu thô giảm, chi phí nhập khẩu xăng dầu các loại giảm đem lại lợi ích nhiều nhất cho doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực vận tải vì đây là lĩnh vực tiêu thụ nhiều xăng dầu. Các lĩnh vực khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim, xây dựng công trình giao thông… cũng được hưởng lợi khi xăng dầu chiếm tới từ 20-30% chi phí đầu vào của những ngành này. Giá cước vận tải giảm cũng làm giảm chi phí đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt, giá xăng dầu giảm cũng giúp hộ gia đình giảm chi tiêu cho việc đi lại hàng ngày và được hưởng lợi kép khi giá cả hàng hóa tiêu dùng giảm. Như vậy, việc giảm giá xăng dầu có thể giúp tăng trưởng sản xuất, theo đó việc tăng thu nội địa có thể bù đắp cho nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì giá dầu xuống thấp cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu của ngành sẽ bị giảm sút, thậm chí kế hoạch đầu tư tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ mới, đảm bảo sản lượng khai thác các năm tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc PVN cho biết, khi giá dầu chỉ ở mức 60-65 USD/thùng thì một số mỏ đang dự kiến đưa vào phát triển có khả năng sẽ bị chậm lại. Trong ngắn hạn, việc đầu tư bổ sung cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn thu không đủ cho nguồn chi bổ sung cho các mỏ hiện nay. Còn các mỏ mới, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Với kịch bản giá dầu mà PVN đang xây dựng là 65 USD/thùng giá kế hoạch, trong trường hợp giá dầu không đạt được như vậy thì PVN vẫn phấn đấu đạt được kế hoạch sản lượng năm 2019 nhưng sản lượng của các năm tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng bởi liên quan đến đầu tư bổ sung của năm 2019.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lo ngại khi những năm gần đây thu từ dầu thô trong tổng thu ngân sách đã thấp đi nhiều, phải tìm nguồn khác bù đắp cho thu ngân sách, nhưng phải là những nguồn thu bền vững, tức là phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì mới có cơ sở để tăng thu ngân sách.

Ông Nguyễn Minh Tân cho rằng, số thu từ dầu thô không lớn và sẽ được bù đắp từ thu nội địa; trong đó gồm thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp FDI, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

“Chúng tôi tính toán là nếu giá dầu giảm về 50 USD/thùng, thấp hơn dự toán 15 USD/thùng thì ngân sách bị hụt khoảng 10 nghìn đến 12 nghìn tỷ đồng” ông Nguyễn Minh Tân nói./.

>> Giá dầu châu Á tăng chiều 28/12

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục