Tác động của vụ bắt giữ lãnh đạo Huawei đối với quan hệ Trung Quốc-Canada

21:34' - 09/12/2018
BNEWS Vụ bắt giữ lãnh đạo tài chính tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ Trung Quốc-Canada.
Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Đây là nhận định của một số chuyên gia xung quanh việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei, theo yêu cầu của Mỹ, làm dấy lên bất đồng ngoại giao không chỉ giữa Trung Quốc và Mỹ, mà còn giữa Trung Quốc và Canada.

Trao đổi với hãng tin Reuters, ông David Mulroney, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, nhận định nhiều khả năng một trong các chuyến thăm cấp cao và các cuộc trao đổi giữa Trung Quốc và Canada sẽ bị đóng băng trong một khoảng thời gian, và thương mại tự do cũng có thể bị đóng băng.

Trong khi đó, ông Thời Ân Hoằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Nhân dân Trung Quốc và là một cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, nhận định việc bắt giữ CFO của Huawei đã đặt Bắc Kinh vào thế phải lựa chọn giữa sự cần thiết phải tỏ thái độ cứng rắn để bảo vệ công dân Trung Quốc hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, hoặc việc giữ hòa khí với một nước công nghiệp tiên tiến như Canada.

Theo chuyên gia này, trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, nếu Trung Quốc có hành động trả đũa mạnh mẽ Canada, động thái này có thể sẽ làm tổn thương mối quan hệ 2 nước. Ông Thời Ân Hoằng cho rằng đây là một vấn đề nan giải và rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra.

Bà Mạnh Vãn Chu bị cảnh sát Canada bắt giữ tại thành phố Vancouver hôm 1/12 khi đang quá cảnh tại sân bay và đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc cố tình bán các thiết bị cho Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tại phiên tòa diễn ra ở Vancouver ngày 7/12, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran. CFO của Huawei có thể sẽ phải chịu mức án tù cao nhất là 30 năm với mỗi cáo buộc kể trên. Dự kiến, vào ngày 10/12, một phiên tòa sẽ được mở để xem xét liệu bà Mạnh có được tại ngoại hay không.

Ngày 8/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Canada tại nước này nhằm vụ việc trên. Trong buổi gặp Đại sứ Canada tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành  phản đối mạnh mẽ vụ việc trên, nhấn mạnh Bắc Kinh yêu cầu Ottawa ngay lập tức thả bà Mạnh Vãn Chu nếu không sẽ đối mặt với nhiều hậu quả. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho rằng hành động Canada đã "phớt lờ luật pháp" và vô lý.

Trước đó, ngay sáng 2/12, vài giờ sau vụ bắt giữ, hãng tin Tân Hoa xã và tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đều chỉ trích Canada vì bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu và cảnh báo sẽ có hành động đáp trả Ottawa nếu bà này không được trả tự do.

Giới chuyên gia nhận định việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tân Hoa xã và tờ Nhân dân nhật báo cùng đưa ra tuyên bố chỉ trích Ottawa là hành động bất thường, phản ánh việc Bắc Kinh coi sự việc này là nghiêm trọng và thể hiện quyết tâm buộc Canada phải trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu.

Về phần mình, Canada đã lên tiếng bảo vệ quyết định bắt bà Mạnh Vãn Chu, khẳng định sự việc này không có bất kỳ sự can thiệp hay động cơ chính trị nào và đây là hoạt động độc lập của hệ thống tư pháp.

Thủ tướng Canada Justin Trudeautuyên bố ông biết trước vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, song đây là quyết định của riêng lực lượng thực thi pháp luật. Nhà lãnh đạo Canada nêu rõ ông có thể đảm bảo với tất cả mọi người rằng Canada là một quốc gia có nền tư pháp độc lập./.
Xem thêm:

>>Hãng viễn thông của Canada thiệt hại cả tỷ CAD nếu Huawei bị “cấm cửa”​

>>Huawei khẳng định không gây ra mối đe dọa an ninh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục