Tác động kinh tế từ lãi suất cao kéo dài

12:28' - 08/11/2023
BNEWS Theo tờ The Economist, khi lãi suất của nền kinh tế lớn dao động ở mức gần bằng 0, các nhà kinh tế tranh luận liệu đà đi xuống của lãi suất có phải là sản phẩm của một xu hướng kéo dài hàng thập kỷ.

Theo tờ The Economist, cách đây không lâu, khi lãi suất của nền kinh tế lớn dao động ở mức gần bằng 0, các nhà kinh tế đã tranh luận liệu đà đi xuống của lãi suất có phải là sản phẩm của một xu hướng kéo dài hàng thập kỷ, thế kỷ hay thiên niên kỷ hay không. Hiện nay câu hỏi nhức nhối lại là lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong bao lâu?

 

Ngày 18/10, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 4,9%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Trong khi, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm vượt ngưỡng 5%. Vào tháng trước, các nhà phân tích tại Bank of America tuyên bố rằng lãi suất “đã thoát khỏi mức thấp trong vòng 5.000 năm” và đó thực sự là cảm giác của các nhà kinh tế, nhà đầu tư và những người đang phải trả các khoản nợ họ đã vay vào thời điểm mọi người đều cho rằng lãi suất sẽ mãi thấp.

Niềm tin lãi suất sẽ vẫn “cao trong thời gian dài” đang lan rộng khắp thế giới. Khu vực đồng euro (Eurozone) chứng kiến lãi suất âm trong năm 2021, nhưng giờ đây nước Đức phải trả gần 3% cho khoản vay kỳ hạn 10 năm. Lợi suất trái phiếu của Anh cao gần bằng Mỹ. Ngay cả Nhật Bản, quốc gia kiên định trong việc duy trì lãi suất thấp, vốn được coi là chỉ dấu cho xu hướng lãi suất của thế giới, cũng đối mặt với áp lực tăng lợi suất trái phiếu. Khả năng cao là năm 2024 Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng lãi suất vào lần đầu tiên kể từ năm 2007.

Nếu thị trường đúng, một kỷ nguyên mới đang bắt đầu và hậu quả sẽ còn sâu rộng. Các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ phải trả chi phí vay nhiều hơn. Hệ thống tài chính sẽ phải điều chỉnh theo thực tế khắc nghiệt mới. Và các chính phủ phải dành nhiều hơn các khoản thu từ thuế để trả lãi cho nợ lũy kế. Kịch bản lãi suất cao trong thời gian dài mà nhiều nhà đầu tư đang dự đoán sẽ là "sự pha trộn độc hại".

Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp

Một trong những điều ngạc nhiên trong năm qua là khả năng chống chịu với lãi suất cao của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ. Ngày 26/10, Mỹ công bố tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 4,9% trong quý III/2023. Chi tiêu tiêu dùng được hỗ trợ bởi khoản tiết kiệm dư thừa mà các hộ gia đình tích lũy trong thời gian ở nhà và các khoản hỗ trợ do đại dịch COVID-19. Nhiều công ty phát hành nợ dài hạn khi lãi suất thấp và do đó hiện tiếp tục được hưởng chi phí tài chính thấp. Các khoản thanh toán lãi suất ròng của các công ty Mỹ thực tế đã giảm trong năm nay, bởi tiền lãi họ kiếm được từ số tiền mặt nắm giữ đã tăng nhanh hơn chi phí trả nợ.

Những vùng đệm bảo vệ này sẽ tồn tại trong một thời gian. Theo ước tính mới nhất các hộ gia đình Mỹ vẫn đang giữ khoảng 1.000 tỷ USD tiền mặt dư thừa, tương đương gần 5% tổng thu nhập cá nhân hàng năm. Sẽ cần một thời gian để lãi suất cao có thể gây giảm tốc hoạt động của doanh nghiệp. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính chỉ có 16% nợ doanh nghiệp của Mỹ sẽ đáo hạn trong vài năm tới. Việc tái cấp vốn sẽ nâng lãi suất trung bình trên tổng nợ từ 4,2% trong năm nay lên 4,5% vào năm 2025.

Cần lưu ý rằng không phải tất cả các công ty đều chống chịu được với lãi suất cao. Các công ty nhỏ ở Mỹ với các khoản nợ đáo hạn sớm hơn các công ty lớn đang gặp khó khăn, mặc dù nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng. Tại Mỹ và châu Âu tỷ lệ phá sản doanh nghiệp đang tăng. Ở một số nền kinh tế châu Âu, nơi tăng trưởng kinh tế hiện thấp hơn Mỹ, các công ty phản ứng khó khăn hơn khi phải đối mặt với lãi suất cao.

Vào cuối năm 2021, thời gian đáo hạn trung bình các khoản nợ của doanh nghiệp Tây Ban Nha và Italy lần lượt là 2,6 năm và 2,1 năm. Ở Thụy Điển, quốc gia có nợ doanh nghiệp chiếm tới 155% GDP, lãi suất hiệu dụng trung bình trên khoản vay ngân hàng quá hạn của các công ty tăng từ 1,5% lên 3,9% trong năm tính đến tháng Ba và sẽ còn cao hơn nữa vào thời điểm hiện tại. Trong tháng 9/2023, số doanh nghiệp phá sản tại nước này cao hơn 14% so với một năm trước đó.

Nếu lãi suất tăng ổn định lên mức cao hơn, các công ty cuối cùng sẽ phải trả chi phí lớn hơn ngay cả đối những khoản nợ dài hạn. Điều này sẽ không dễ dàng bởi trong những năm 2010, các công ty đã vay rất nhiều. Ví dụ, các tập đoàn phi tài chính của Mỹ đã phát hành khoản nợ ròng 4.100 tỷ USD trong thập kỷ này, sau khi rút lại 3.200 tỷ USD vốn chủ sở hữu ròng thông qua cổ tức và mua lại. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tại các nền kinh tế tiên tiến nói chung, nợ doanh nghiệp chiếm khoảng 93% GDP, tăng từ mức dưới 80% GDP vào giữa những năm 2000. Nếu lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài, tình trạng vay nợ quá mức sẽ cần được giải quyết. Do đó, thời gian dài giảm nợ có thể hạn chế đầu tư trong những năm 2020, giống như tăng trưởng thấp đã hạn chế đầu tư trong những năm 2010.

Ảnh hưởng của lãi suất cao

Lãi suất cao cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng tới các hộ gia đình. Ở Mỹ và một số nước châu Âu, lãi suất vay thế chấp có thể giữ ở mức cố định trong nhiều thập kỷ, giúp bảo vệ người vay khỏi lãi suất tăng miễn là họ không chuyển nhà.

Tuy nhiên, giá nhà có thể sẽ giảm do tính chất phụ thuộc chủ yếu vào các khoản vay mới của người mua nhà, vốn phải chịu chi phí cao hơn nhiều. Nhật báo Mortgage ngày 18/10 đưa tin lãi suất vay thế chấp cố định kỳ hạn 30 năm tại Mỹ lần đầu tiên đạt 8% kể từ năm 2000. Kết quả, khoản tiền người mua phải trả hàng tháng cho một căn nhà trung bình ở Mỹ với khoản thế chấp trị giá 90% giá trị tài sản chiếm tới gần 60% thu nhập trung bình, tăng từ mức 33% vào tháng 7/2021.

Thật khó tin khi cho rằng thị trường nhà có thể chịu được tỷ lệ lãi suất cao như vậy. Theo Ngân hàng thanh toán quốc tế, giá nhà thực tế ở 12 nền kinh tế phát triển đã giảm 10% trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến quý II/2023. Nếu lãi suất tăng theo đúng như thị trường dự báo, giá nhà thực sẽ giảm thêm 14% vào cuối năm 2025. Trong kịch bản lãi suất giữ ổn định ở mức cao lâu hơn một chút so với mức hiện tại, mức giảm giá nhà thực từ đỉnh xuống đáy sẽ lên tới 35%. Để so sánh, mức giảm do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra là 13%.

Tiếp đến là việc xem xét tác động của lãi suất cao đối với khu vực tài chính. Các thương nhân thường nói đùa rằng lãi suất sẽ tăng cho đến khi xuất hiện điều gì đó phá vỡ tình trạng này và điều đó đã xảy ra vào mùa Xuân năm 2023 trong khu vực các ngân hàng thương mại địa phương Mỹ. Các ngân hàng này sở hữu rất nhiều trái phiếu chính phủ, vốn sẽ mất giá khi lãi suất tăng.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 1,5% vào cuối năm 2021 lên khoảng 3,5% một năm sau đó, khiến giá trị Chỉ số trái phiếu kho bạc giảm khoảng 10%. Điều này gây tổn thất hơn 600 tỷ USD cho các ngân hàng Mỹ, trong đó Ngân hàng Thung lũng Silicon và First Republic đã phá sản.

Khủng hoảng có thể trở lại nếu lãi suất cao trong thời gian dài. Các khoản vay cuối cùng theo chương trình cho vay mới của Fed sẽ kết thúc vào tháng 3/2024. Ngay cả khi chương trình được gia hạn, các ngân hàng có thể không đủ khả năng trả lãi cho các khoản vay của Fed (tương tự như lãi suất ngắn hạn hiện đang tăng đều đặn).

Và không chỉ giá trị thị trường của trái phiếu kho bạc giảm khi lãi suất tăng. Tất cả các khoản vay trả lãi cố định trong thời gian trung và dài hạn sẽ theo xu hướng tương tự. Nhóm các nhà kinh tế Erica Jiang, Gregor Matvos, Tomasz Piskorski và Amit Seru đã thực hiện một phân tích định giá tất cả tài sản của các ngân hàng Mỹ theo giá thị trường vào tháng 3/2023 và sau đó kiểm tra điều gì sẽ xảy ra nếu một nửa hoặc toàn bộ người gửi tiền không được bảo hiểm tiền gửi rút tiền tiết kiệm.

Kết quả phân tích cho thấy, ngay cả trong kịch bản ít bi quan hơn, khoảng 200 ngân hàng, với tổng tài sản 300 tỷ USD, có khả năng sẽ mất khả năng thanh toán. Một nghiên cứu khác của hai nhà kinh tế Mark Flannery và Sorin Sorescu, kết luận: “Nếu tất cả các khoản lỗ chưa vào sổ được phản ánh đầy đủ trong báo cáo tài chính của các ngân hàng, thì khoảng một nửa số ngân hàng nắm giữ khoảng một nửa tổng tài sản ngân hàng sẽ không đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định tối thiểu”.

Kể từ tháng 3/2023, chỉ số trái phiếu đã giảm thêm 5%. Bà Jiang và các đồng nghiệp đã thực hiện tiếp một phân tích nữa, theo đó cho thấy các khoản lỗ chưa thực hiện (còn gọi là lỗ trên giấy-unrealised loss) tăng không nhiều, song hiện tập trung ở các ngân hàng lớn. Hồi tháng 3/2023, các ngân hàng được các cơ quan quản lý coi là “quan trọng về mặt hệ thống” chỉ chiếm khoảng 30% trong số 2.200 tỷ USD các khoản lỗ chưa thực hiện. Hiện nay, số lỗ chưa thực hiện lên tới 2.500 tỷ USD, với các ngân hàng lớn chiếm hơn 66% tổng số lỗ này.

Ngoài ra, còn có những nguồn dễ chịu tổn thương tài chính khác. Các khoản cho vay bất động sản thương mại chiếm khoảng 1/10 tài sản ngân hàng, và giá trị của các tòa nhà văn phòng đã giảm mạnh do lãi suất cao hơn trong khi công suất thuê thấp hơn. Một số chủ sở hữu thậm chí giao luôn chìa khóa cho người cho vay. Hơn nữa, trong những năm gần đây, nhiều hoạt động cho vay đã chuyển từ ngân hàng sang các tổ chức tài chính khác như quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm. Mặc dù việc phân tán rủi ro về nguyên tắc là hữu ích, nhưng điều này cũng có nghĩa là ngày càng có nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những thua lỗ tiềm ẩn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục