Tái canh cà phê: Không thiếu vốn nhưng vẫn vướng

09:38' - 04/12/2015
BNEWS Ở Việt Nam, Đề án tái canh chỉ hỗ trợ tín dụng đối với những diện tích cà phê nằm trong quy hoạch, trong khi các tỉnh mới chỉ có quy hoạch chung chứ không có quy hoạch chi tiết.

Tái canh được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện chương trình tái canh, nhiều vấn đề khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ.

*Không thiếu vốn cho tái canh

Ông Võ Văn Chân, Trưởng ban khách hàng Hộ sản xuất và cá nhân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, tính đến ngày 31/10, dư nợ cho vay tái canh cà phê là 731 tỷ đồng, với trên 6.000 khách hàng. Ngoại trừ tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên còn lại hầu như chưa tiếp cận với nguồn vốn tái canh.

Trong khi đó, ông Chân cũng khẳng định, ở đâu có hộ sản xuất, có nhu cầu vốn, Ngân hàng Agribank đều có thể đáp ứng đầy đủ, kịp thời và có thừa vốn để cung cấp cho thị trường.

Nếu không cải tạo, tái canh thì sản lượng và chất lượng cà phê Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tác động lớn đến sức cạnh tranh xuất khẩu.Ảnh: TTXVN

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay cả nước đã có khoảng 650.000 ha cà phê, được trồng ở 22 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Trong số đó, có khoảng 86.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi (chiếm 15%), 140.000 ha 15-20 năm tuổi (chiếm 25%). Tổng diện tích cà phê già cỗi cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới khoảng 140.000-160.000 ha.

“Đối với diện tích người dân bắt buộc phải tái canh, đa số có năng suất dưới 1,5 tấn/ha, nếu tiếp tục sản xuất thì sẽ không hiệu quả, chi phí sản xuất nhiều hơn doanh thu. Mặt khác, đa số những vùng cà phê già cỗi đều nằm trong khu vực quy hoạch, có giao thông, thủy lợi đều thuận lợi.

Do đó, nếu không cải tạo, tái canh thì sản lượng cà phê Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do năng suất giảm, chất lượng hạt cà phê giảm, tác động lớn đến sức cạnh tranh xuất khẩu.”, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.

Theo Đề án tái canh từ năm 2014-2020 sẽ tái canh 120.000 ha cà phê; trong đó, thực hiện tái canh 90.000 ha và ghép cải tạo 30.000 ha tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề tái canh lại đang gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết năm 2014, tổng diện tích tái canh mới đạt trên 44.000 ha, dự kiến đến hết năm 2015 trên 61.000 ha. Như vậy, từ nay tới năm 2020, vẫn còn gần 60.000 ha cà phê phải tái canh, cải tạo.

Mặc dù Chính phủ đã dành 12.000 tỷ đồng để tái canh cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên nhưng tốc độ tái canh còn chậm.

Tại Diễn đàn Triển vọng và Phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam 2015 tổ chức ngày 2/12 ở Tp.Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, việc tổ chức thực hiện tái canh hiện nay ở các địa phương đang diễn ra không đồng đều, còn nhiều khó khăn.

Mặc dù cùng một cơ chế, chính sách, nhưng có địa phương làm tốt, còn các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

* Khó nhiều bề

Lý giải nguyên nhân các hộ trồng cà phê không mặn mà với chương trình tái canh, ông Võ Văn Chân cho rằng, quy trình tái canh cà phê và việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho ngành của Việt Nam chưa phù hợp với yêu cầu thực tế cũng như so với một số nước trên thế giới.

Lấy ví dụ từ quá trình tái canh của Colombia và Ấn Độ, ông Chân cho rằng, 2 nước này thực hiện tái canh theo hình thức cuốn chiếu và xen kẽ, nghĩa là vừa trồng thu hoạch, vừa tái canh cà phê.

Quy trình tái canh cà phê và việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho ngành của Việt Nam chưa phù hợp với yêu cầu thực tế. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, Colombia có chương trình nâng cao cạnh tranh tạo bền vững lâu dài cho cây cà phê; còn Ấn Độ tài trợ cho ngành cà phê một khoản ngân sách lớn, trợ cấp giá cho nông dân trồng lại. Những điều này giúp các hộ nông dân vừa có thu nhập ổn định, cuộc sống của họ không bị xáo trộn.

Trong khi đó, “ở nước ta, Đề án tái canh chỉ hỗ trợ tín dụng đối với những diện tích cà phê nằm trong quy hoạch, trong khi các tỉnh mới chỉ có quy hoạch chung chứ không có quy hoạch chi tiết.

Do đó, ngân hàng chưa có căn cứ để xây dựng phương án cho vay. Hơn nữa chi phí tái canh rất tốn kém, mất nguồn thu nhập 5-6 năm và vốn đầu tư trên 150 triệu đồng/ha trong 3 năm đầu.”, ông Chân nói.

Nói thêm về điều này, ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho rằng, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy trình tái canh cà phê, nhưng cần có sự điều chỉnh, phù hợp với từng vùng đất, từng địa phương không thể cứng nhắc áp dụng đúng quy trình.

“Theo quy trình tái canh của Bộ thì thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch là 5 năm; trong đó thời gian cải tạo đất là 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện phải xem xét từng điều kiện cụ thể ở từng vùng đất, địa phương.

Chẳng hạn, ở Đắk Lắk việc cải tạo đất cần 2 năm thậm chí hơn, nhưng ngược lại những vùng khác có điều kiện đất đai tốt hơn như Gia Lai, Kon Tum thì thời gian cải tạo đất không nhất thiết phải là 2 năm.

Nếu thực hiện “cứng nhắc” theo 5 năm thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và cũng khiến ngân hàng e ngại, không cho vay vì thời gian “chết” lâu quá”, ông Hải nói.

Mặt khác, trong bối cảnh giá cà phê trong nước giảm liên tục từ đầu năm đến nay, ngang bằng với giá thành sản xuất cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người nông dân.

Điều này cũng khiến chương trình tái canh cà phê gặp nhiều trở ngại. Một số chuyên gia cho rằng, nếu trong thời gian tới, giá cà phê tiếp tục xuống thấp, thu không bù chi, người dân sẽ chặt bỏ cây cà phê để chuyển sang cây trồng khác.

Trên thực tế, cũng đã có nhiều vườn cà phê được người dân chuyển đổi sang trồng hồ tiêu để có lợi nhuận cao hơn. Do đó, vấn đề tái canh cà phê cần được nhìn nhận lại thực chất vấn đề để có hướng giải quyết.

Để giải quyết những vướng mắc này, nhiều ý kiến cho rằng cần sự phối hợp giữa Bộ ngành, địa phương và Hiệp hội, Ban điều phối ngành hàng cà phê trong việc xây dựng quy trình tái canh hợp lý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Cà phê – ca cao phải là đầu mối liên kết doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm tạo vùng nguyên liệu ổn định, để người trồng cà phê yên tâm sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tổ chức khảo sát tới tận tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về nhu cầu tái canh trong 5 năm tới để xây dựng chính sách tái canh chi tiết cho từng địa phương, khu vực./.

Hứa Chung/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục