Tài chính vi mô thúc đẩy tài chính toàn diện

15:16' - 17/05/2024
BNEWS Ngày 17/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện – thực trạng và giải pháp”.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thực tiễn tại nhiều quốc gia đã minh chứng đóng góp của tài chính vi mô cho xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy tài chính toàn diện. Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tài chính vi mô phát triển, tăng số lượng các tổ chức tài chính vi mô để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ khách hàng, hỗ trợ việc triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện”.

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu: “Phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững”.

 

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, để thực hiện mục tiêu này, chiến lược đặt ra nhiệm vụ, khuyến khích phát triển mô hình liên kết hoạt động của các ngân hàng thương mại với các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô, hợp tác giữa các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô và các tổ chức công nghệ tài chính. Bên cạnh đó, hỗ trợ các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tăng cường xã hội hóa việc hỗ trợ, tham gia đóng góp nguồn lực tài chính trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô.

Hiện tại, có 4 tổ chức tài chính vi mô và 79 chương trình, dự án tài chính vi mô. Cùng với đó, các sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô ngày càng đa dạng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng, qua đó tăng tỷ lệ tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính của người dân.

Ông Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, tổ chức tài chính vi mô được xác định là một trụ cột để thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam. Hiện mạng lưới hoạt động tổ chức vi mô với sự tham gia của nhiều loại hình tổ chức như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân. Các tổ chức tài chính vi mô có lợi thế là gần dân, phục vụ tốt/nhanh chóng nhu cầu của những người nghèo, người có thu nhập thấp, người yếu thế, phụ nữ, người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ góp phần gia tăng tỷ lệ người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Nhờ đó mà các sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô luôn được thiết kế phù hợp với đặc thù của nhóm khách hàng tài chính vi mô là dễ tiếp cận, thủ tục đơn giản, cung cấp ngay tại cộng đồng, món vay nhỏ nên dễ hoàn trả giúp tài chính vi mô duy trì được một mạng lưới khách hàng trung thành và tiếp tục thu hút được ngày càng nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ. Năm 2023, số lượng thành viên Quỹ tín dụng nhân dân là 1,8 triệu; số lượng khách hàng của 4 tổ chức tài chính vi mô đạt gần 500.000.

Mặc dù vậy, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, quy mô hoạt động của các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô còn khá nhỏ so với tiềm năng phát triển và đang gặp nhiều khó khăn, như việc tăng trưởng nguồn vốn còn hạn chế do chưa khuyến khích được mọi nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động tài chính vi mô. Ngoài ra, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình hoạt động; năng lực quản trị điều hành, chất lượng đội ngũ nhân lực còn nhiều hạn chế; mạng lưới hoạt động hẹp, cơ sở hạ tầng, công nghệ còn chậm chuyển đổi…

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, cũng đã đánh giá về  thực tiễn hoạt động của một số tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô cũng như thực trạng tiếp cận tài chính của các khách hàng tài chính vi mô; đồng thời rà soát, phân tích hành lang pháp lý.

Để tài chính vi mô phát huy vai trò là một trụ cột thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp và các kiến nghị như tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, trong đó cần tập trung thống nhất quy định về khách hàng tài chính vi mô phù hợp với quy định tại Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, sửa đổi quy định về thành viên góp vốn theo hướng không bắt buộc phải có một tổ chức chính trị, chính trị xã hội...; tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động của tài chính vi mô nhất là các chương trình dự án khá đa dạng tại các tỉnh, thành phố hiện nay, trước hết là vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá của cơ quan địa phương các cấp và các bộ ngành chức năng kể cả Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác.

Đặc biệt, không ngừng nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, các chương trình, dự án tài chính vi mô như tăng nguồn vốn từ vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư trong nước và trái phiếu/huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài; Nâng cao năng lực quản trị rủi ro; đầu tư ứng dụng công nghệ vào các quy trình hoạt động để nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí.

Cùng với đó, các tổ chức tài chính vi mô cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát triển và đa dạng hóa sản phẩm; đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng thương mại, các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ (như eKYC, SMS banking, Homebanking, Mobilebanking…) để tạo thuận lợi hơn cho khách hàng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục