Tái khởi động du lịch: Cần thêm những điều kiện gì?

11:45' - 11/10/2021
BNEWS Du lịch luôn là một ngành kinh tế mũi nhọn, là định hướng chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Cùng với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, du lịch cũng cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Ngành du lịch đang tích cực chuẩn bị tái khởi động mở cửa với phương châm "An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn".

* Một số địa phương “kích hoạt” du lịch trở lại

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm các doanh nghiệp du lịch gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, nhiều lao động rời bỏ ngành.

Các dự báo hiện nay đều khẳng định, ngành du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau CODVD-19, so với những cuộc khủng hoảng trước.

Ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh COVID-19 ở trong nước cũng như quốc tế vẫn diễn biến phức tạp vì thế ngành du lịch cần bám sát thực tiễn để dự báo các kịch bản, đề ra các kế hoạch thực sự hiệu quả để phục hồi nền công nghiệp không khói này.

Thực hiện Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước, thời gian qua, theo Tổng cục Du lịch, nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch, phát động du lịch nội tỉnh, đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đối với người lao động trong ngành du lịch…

Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, dần mở cửa kinh tế, nhiều địa phương đã chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch để kích hoạt lại hoạt động du lịch trên địa bàn.

TP Hồ Chí Minh là địa phương tái khởi động du lịch sớm nhất bằng tour du lịch đến Cần Giờ mang tên “Tri ân lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch” vào ngày 19/9.

Tour được tổ chức theo mô hình "bong bóng", thông qua các cung đường khép kín.

Khách chủ yếu tham quan các điểm du lịch ngoài trời, không gian rừng ngập mặn, vùng sông nước tại Cần Giờ, tuyến điểm xanh đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam.

Chương trình tour tri ân lực lượng phòng, chống dịch do các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Du lịch và Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Sau tour khởi động tiếp tục có thêm 5 tour Cần Giờ và 3 tour Củ Chi. Mỗi tour có hơn 100 du khách là lực lượng y tế tuyến đầu; cán bộ, chiến sĩ quân y tăng cường cho TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống COVID-19.

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, sau nhiều chuyến đưa lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP Hồ Chí Minh đi tham quan tại các "vùng xanh" ở huyện Cần Giờ, Củ Chi, Sở mong muốn các doanh nghiệp du lịch tiếp tục mạnh dạn triển khai thêm các đường tour "vùng xanh" khác ở trong nội thành và các tỉnh, thành phố khác.

Sở cũng sẽ liên hệ với các sở, ngành các tỉnh để nghiên cứu, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp du lịch khi xây dựng các đường tour khép kín này.

Tại Quảng Ninh, hoạt động du lịch nội tỉnh phục hồi từ cuối tháng 9. Theo Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã mở cửa trở lại một số điểm đến đón khách tham quan như Vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử…

Đến hết năm 2021, tỉnh sẽ miễn phí tham quan các điểm đến du lịch trên địa bàn. Căn cứ kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các hướng dẫn của Bộ Y tế, tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành hai kế hoạch đón khách nội tỉnh và khách ngoại tỉnh. Mục tiêu là trong quý IV/2021, sẽ đón khoảng 800.000 lượt khách.

Ngoài Quảng Ninh, hiện ngành du lịch Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch mở cửa du lịch định hướng theo 4 giai đoạn.

Dự kiến từ tháng 10 này sẽ mở lại các hoạt động du lịch đối với khách du lịch trong thành phố, sau đó sẽ mở rộng ra đón khách từ một số địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh và tiếp đó là mở cửa du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Hà Nội sẽ tăng cường liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để xây dựng tour, tuyến du lịch.

Trong quý IV sẽ tổ chức chuỗi sự kiện để thu hút khách, đồng thời xây dựng đề án chuyển đổi số du lịch, sàn giao dịch trực tuyến về việc làm, đào tạo nhân lực…

Hay như tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trước bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát, tỉnh đã mở đón khách du lịch từ một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…

Dự kiến ngày 20/10 tới đây tỉnh sẽ họp báo công bố sàn thương mại điện tử du lịch, đồng thời có kế hoạch tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến trong tháng 11 và tháng 12 nhằm phục vụ khách du lịch trong dịp cuối năm.

Từ ngày 1/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa phục vụ du khách tại các điểm di tích Đại Nội, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức, lăng vua Khải Định. Du khách chỉ tham quan khu vực ngoài trời, không tham quan bên trong nội thất các cung điện.

Để đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch, du khách phải thực hiện tốt thông điệp 5K, quét mã QR Thẻ kiểm soát dịch bệnh trước khi vào tham quan; riêng khách từ các địa phương khác phải hoàn tất việc thực hiện giám sát y tế theo quy định.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang áp dụng giảm 50% giá vé tham quan các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.

Cũng từ ngày 1/10, theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở khu vực biệt lập, sau khi đã đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn COVID-19 được Sở Du lịch Khánh Hòa cho phép đón khách trong tỉnh.

Khách là người có thẻ xanh, tức là đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 đã qua ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh. Khách có thẻ vàng là người đã tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày tiêm hoặc là người có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2.

Trong điều kiện cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, kịch bản hồi phục du lịch được tỉnh Khánh Hòa chia làm 3 giai đoạn; giai đoạn 1 bắt đầu từ 1/10 tập trung khai thác du lịch nội tỉnh.

Giai đoạn 2 từ ngày 15/10, căn cứ vào tiêu chí phòng chống dịch sẽ xúc tiến các thị trường lân cận.

Cuối cùng ở giai đoạn 3, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ kiến nghị Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế theo hình thức "hộ chiếu vaccine".

Trong đó từ tháng 11 sẽ thí điểm đón khách ở 12 cơ sở du lịch tại khu du lịch Bãi Dài, phía Bắc bán đảo Cam Ranh.

Hiện nay, Phú Quốc đã được Chính phủ cho thí điểm để mở cửa đón khách quốc tế. Phú Quốc đã thí điểm lựa chọn đối tượng khách từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch như: châu Âu, Trung Đông, Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Ngoài các điều kiện về tiêm phong vaccine đủ liều để có "thẻ xanh COVID-19" thì du khách quốc tế là trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng cha mẹ, hoặc người giám hộ đã được tiêm chủng đầy đủ theo quy định của ngành y tế cũng có thể đến du lịch...

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế tại Phú Quốc sẽ được triển khai trong 6 tháng tới. Cụ thể, từ ngày 20/11, Phú Quốc tổ chức đón 1-3 chuyến bay đầu tiên để vận hành thử nghiệm quy trình đón, phục vụ khách nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm.

* Cần sự nhất quán, thống nhất kết nối giữa các địa phương

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến "Tái khởi động du lịch" với các địa phương do Tổng cục Du lịch tổ chức (ngày 5/10), đại diện ngành du lịch các địa phương cho hay, khó khăn hiện nay trong việc chuẩn bị mở lại du lịch đó là tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 chưa đồng đều giữa các địa phương.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho hoạt động du lịch, đại diện các địa phương đề xuất cần tiến tới xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về thẻ xanh và thẻ vàng để tránh tình trạng hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc đi lại, du lịch. Đồng thời cần có quy định về hộ chiếu vaccine để áp dụng đón khách du lịch quốc tế.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện nay là du lịch còn gặp khó khăn do quy định đi lại, thẻ xanh, cách ly phong toả tại các địa phương khác nhau.

Nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 còn thấp, chưa mạnh dạn mở cửa và vẫn chờ tiêm vaccine đủ 2 mũi. Các doanh nghiệp còn e ngại về tính hiệu quả, nhất là về doanh thu khi chưa có nhiều khách…

Bà Hạnh đề nghị, để tái hoạt động du lịch hiệu quả, cần sớm ban hành khung tiêu chuẩn về thẻ xanh cho khách nội địa, hộ chiếu vaccine với khách quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thẻ xanh bằng QR code tạo thống nhất chung cho các địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế ban hành áp dụng tiêu chuẩn chung trong phòng, chống dịch tại các địa phương, nhất là trong quy định về cách ly, phong toả để cho doanh nghiệp và khách nắm rõ yên tâm đi du lịch. Cần hồ trợ đào tạo nhân lực du lịch trở lại, triển khai bảo hiểm COVID-19 cho khách nội địa.

Đại diện của nhiều địa phương khác như Quảng Bình, Bình Thuận, Lâm Đồng, Tây Ninh cũng đồng quan điểm, cho rằng du lịch sẽ khó vận hành nếu người lao động chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine và mỗi địa phương có tiêu chí khác nhau về du lịch an toàn, thậm chí địa phương khá lúng túng khi triển khai trong thực tế…

* An toàn là yếu tố tiên quyết để tái khởi động du lịch

Tại Hội nghị "Tái khởi động du lịch", Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh ghi nhận sự chủ động, tích cực của du lịch các địa phương nhằm chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành du lịch sau thời gian bị gián đoạn do dịch COVID-19.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng yếu tố an toàn là điều kiện tiên quyết để tái khởi động ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

“Đây cũng là tiêu chí được đưa vào trong tất cả các hoạt động du lịch với phương châm “An toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”. Lộ trình mở cửa cần thực hiện theo từng giai đoạn từ du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa đến du lịch quốc tế” – ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Đánh giá cao những nỗ lực và các giải pháp khôi phục của ngành du lịch các địa phương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt những chính sách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương đã ban hành, nhất là các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch.

Bên cạnh đó, cần tập trung thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, đáp ứng nhu cầu của người dân sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Khôi phục hoạt động du lịch tại các “vùng xanh”, tiến tới kết nối các điểm đến an toàn, sau đó phục hồi hoạt động du lịch nói chung phù hợp với tình hình. Đây cũng là bước chuẩn bị cho những bước đi dài hơn, xa hơn là tiến đến đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai công tác xúc tiến quảng bá, triển khai sáng tạo các giải pháp kích cầu du lịch.

“Kích cầu không đồng nghĩa với giảm giá sản phẩm dịch vụ mà cung cấp đa dạng các tiện ích, trải nghiệm phục vụ khách. Các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn” – Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định.

Để chung tay cùng các địa phương sớm đưa du lịch hoạt động trở lại, lãnh đạo Bộ cho biết, sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu kiến nghị của các địa phương để có những chính sách, hỗ trợ kịp thời.

Cụ thể: Bộ sẽ thúc đẩy các hoạt động liên bộ, liên ngành để sớm có những quy định về "thẻ xanh", "hộ chiếu vaccine"; cùng đó, để chuẩn bị cho việc mở cửa thí điểm du lịch quốc tế các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ tới các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam...

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ khẳng định sẽ nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp nhận thông tin và giải quyết các vướng mắc của địa phương để sớm đưa hoạt động du lịch quay trở lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục