Tài xế taxi và xe công nghệ tạm chuyển hướng chờ dịch qua đi

20:41' - 21/04/2020
BNEWS Dịch COVID-19 xuất hiện, lượng khách đi xe giảm dần sau đó là giãn cách toàn xã hội, xe phải nằm một chỗ khiến nhiều tài xế taxi và xe công nghệ rơi vào cảnh khó khăn.

Đang kiếm từ 1,2 đến khoảng 2 triệu đồng mỗi ngày, dịch COVID-19 xuất hiện, lượng khách đi xe giảm mạnh sau đó là giãn cách toàn xã hội, xe phải nằm một chỗ khiến nhiều tài xế taxi truyền thống và xe công nghệ chạy dịch vụ rơi vào cảnh khó khăn.

Anh Phạm Văn Thơ, tài xế hãng taxi Sông Nhuệ ở Hà Nội cho biết, trước đây lượng khách sử dụng xe nhiều nhất là giới nhân viên văn phòng, phụ huynh đưa đón con đi học và lượng khách quen cố định hàng ngày, hai bố con chung nhau chiếc xe Toyota Vios chia ca làm việc và cho thu nhập ổn định hàng tháng.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, lượng khách đi xe giảm dần còn 40-50%. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc cách ly toàn xã hội và tạm dừng các hoạt động của xe hợp đồng, xe taxi cũng là thời điểm khó khăn nhất đối với anh cũng như nhiều tài xế khác bởi “Cần câu cơm” án binh bất động trong thời gian dài.

Trong thời gian này xe không hoạt động, không có thu nhập, nhưng tiền gửi xe taxi vẫn phải thanh toán đầy đủ đi kèm với các khoản chi tiêu khác trong ngày. Trong khi đó, hãng taxi anh chạy xe cũng không thấy hỗ trợ gì cho tài xế trong thời gian cách ly này.

Anh Phạm Văn Thơ cho hay, nếu như trước đây, anh đi làm từ sáng sớm đến tối mới về nhưng từ khi cách ly xã hội, ở nhà nên chi phí tiền điện, tiền nước theo đó cũng tăng hơn trong khi thu nhập không có.

Cùng chung cảnh ngộ với anh Thơ ở Hà Nội là anh Phạm Văn Thắng, chạy xe dịch vụ ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa từng có thu nhập từ 11 triệu đến gần 20 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian này dù nhận được nhiều cuộc gọi của khách hàng cũng phải từ chối khéo vì lo cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

Vốn là người dân ven biển và có tài nghệ chế biến món ăn, anh quyết định chuyển sang cung cấp hải sản biển và món ăn cho khách có nhu cầu mang về, trong khi vợ cũng tranh thủ xe nhàn rỗi của chồng đi lấy hoa quả và các sản vật miền núi ở các mối hàng quen về bán.

Theo anh Thắng, dù công việc trên có thu nhập không cao, nhưng trong thời điểm này việc kinh doanh tạm của hai vợ chồng cũng giúp gia đình có thêm đồng ra đồng vào trang trải trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời đang tính đến việc có thể cung cấp hải sản biển ra Hà Nội kinh doanh cùng người em.

Anh Nguyễn Xuân Phượng, tài xế chạy xe dịch vụ ở Triệu Sơn, Thanh Hoá cũng chia sẻ, từ khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 16, thu nhập từ việc chạy xe của anh giảm mạnh, từ mười mấy triệu xuống còn chỉ từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.

Khi được hỏi nếu việc cách ly xã hội kéo dài, anh có ý định chuyển nghề hay bán xe anh Phượng cho biết: “Cuộc sống có lúc này lúc kia, sau khi hết dịch anh vẫn chạy xe bình thường. So với những người khác, xe của tôi không phải đi vay ngân hàng nên không lo khoản lãi hàng tháng như một số anh em khác”.

Trong khi đó, với tài xế vay tiền mua ô tô trả góp chạy xe công nghệ ở Hà Nội đang khiến họ đau đầu hàng ngày trong mùa dịch bệnh này. Anh Nguyễn Hà, tài xế xe GrabCar cho hay, thời gian đầu mới xuất hiện dịch bệnh, dù thu nhập có giảm 50-60% nhưng anh vẫn có đồng ra đồng vào để chi trả sinh hoạt hàng ngày.

Anh đã phải vay mượn tiền chi tiêu cho gia đình chứ chưa nói đến việc trả nợ ngân hàng hàng tháng. Anh Nguyễn Hà cũng chia sẻ, năm 2017 anh mua trả góp chiếc xe Toyota Vios với giá gần 600 triệu đồng để chạy Grab, anh đã trả trước 30, số tiền gốc và lãi hàng tháng phải trả ngân hàng gần 6 triệu đồng. Thời gian đầu chạy xe có thu nhập ổn định từ 15 – 20 triệu đồng/tháng, sau đó giảm dần theo từng năm do phải cạnh tranh với nhiều hãng xe mới.

"Giờ cách ly xã hội, xe phủ bạt gửi ngoài bãi, lo tiền chi tiêu cho gia đình hàng ngày chưa xong huống hồ tính đến chuyện trả lãi ngân hàng. Tôi cũng tính đến chuyện bán xe để trả nợ, nhưng giá trị xe còn lại không đáng là bao, hơn nữa xe chạy dịch vụ còn khó bán hơn các dòng xe khác nên đã quyết định giữ lại “cần câu” cơm này bởi bán xe cũng chả biết làm được việc khác. Anh mong ngân hàng kéo giãn thời gian trả góp để gia đình anh có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này", anh Nguyễn Hà tâm sự.

Cũng chạy xe công nghệ, anh Lê Việt Hải tài xế hãng Be cũng muốn bán chiếc xe Kia Morning của mình để trả nợ ngân hàng, nhưng khi liên hệ với mấy cơ sở kinh doanh xe cũ họ lại tỏ ra không mặn mà bởi họ đang lo cho số hàng tồn của mình nên không mua thêm xe trong thời điểm này.

Trao đổi một số cơ sở kinh doanh xe cũ ở Trần Thái Tông, Lê Văn Lương (Hà Nội), các cơ sở này đều có chung câu trả lời là đang mùa dịch bệnh, hoạt động mua bán xe cũ khó khăn. Hầu hết các cơ sở này cho biết họ đang phải chấp nhận lỗ, giảm giá, mong bán được xe để thu hồi vốn.

Nhân viên tư vấn bán xe cũ trên đường Lê Văn Lương cũng cho rằng, thời điểm này, nếu có mua chỉ ưu tiên những “cú lướt sóng” nhanh “ngon – bổ – rẻ”, nhưng chỉ với xe gia đình, xe cá nhân với giá cả phải chăng, chứ xe dịch vụ còn phải xem xét do người tiêu dùng kỵ với dòng xe này thường chạy nhiều nên có “ôm” vào cũng khó bán.

Khó khăn trong kinh doanh mùa dịch bệnh là vậy, từ đầu năm đến nay, các hãng xe liên tiếp có chương trình giảm giá, khuyến mại hậu hĩnh cho khách mua xe mới từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để kéo khách hàng về phía mình cũng khiến việc kinh doanh xe cũ của cơ sở vào cảnh đìu hiu.

Đặc biệt, nếu Chính phủ chấp thuận việc kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) mới đây về việc hỗ trợ kích cầu thị trường do dịch COVID-19 bằng việc giảm 50% thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ thì với các cơ sở kinh doanh xe cũ đã trót “ôm” vào sẽ thêm khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục