Tận dụng EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu

16:56' - 05/06/2020
BNEWS Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, phát triển định hướng xuất khẩu, do đó tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt vào các thị trường lớn thông qua các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tại hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” diễn ra ngày 5/6 do Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhấn mạnh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ; chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của hiệp định.

Theo ông Trần Thanh Hải, nền kinh tế của Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, phát triển định hướng xuất khẩu, do vậy việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu lớn thông qua việc ký kết, thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Đây là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh.

Để tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại, ông Trần Thanh Hải đã đưa những giải pháp chiến lược, giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh vào thị trường EU.

Do vậy, trong thời gian tới, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU.

Theo ông Trần Thanh Hải, các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU..

Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của EVFTA mang lại, ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần coi EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.

Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.

Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để chuẩn bị trong giai đoạn trước và sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 932/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương chuẩn bị cho phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) giai đoạn từ nay đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Các đơn vị của Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện các nhiệm vụ trên; trong đó, Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành Kế hoạch triển khai thực thi Hiệp định EVFTA với 25 nhiệm vụ, chia thành 5 nhóm công tác trọng tâm.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Hiệp định EVFTA được ký kết ngày 30 tháng 6 năm 2019 và đang được trình Quốc hội phê chuẩn là một FTA thế hệ mới và được kỳ vọng sẽ tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế theo hướng tích cực giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

EU là một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam bên cạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU28 đạt 41,54 tỷ USD, chiểm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

EU28 là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới (chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu), đạt khoảng 2.338 tỷ USD (năm 2018). Do vậy, mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, nhưng Việt Nam mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU, như vậy cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu còn rất lớn.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam sang EU, bên cạnh các mặt hàng của khối các doanh nghiệp FDI lớn như điện thoại, máy móc, máy vi tính, còn nhiều mặt hàng quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như: dệt may, giày dép, túi xách vali, thủy sản, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục