Tân Tạo có trở về thời hoàng kim như lời hứa của Chủ tịch?

10:10' - 29/10/2022
BNEWS Tân Tạo từng được biết đến là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp đất phát triển khu công nghiệp hay công ty phát triển khu công nghiệp đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nhắc đến cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo – Itaco là không thể không nhắc tới bà Đặng Thị Hoàng Yến, một trong những người tiên phong làm khu công nghiệp tại Việt Nam từ những năm 2002.

Sự tiên phong này đã đưa Tân Tạo lên đỉnh hoàng kim vào những năm 2006-2007 khi có thể thu hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sự thành công quá lớn và tâm lý “không bỏ mâm nào” khiến Tân Tạo mở rộng hệ sinh thái sang bất động sản dân sinh, nhà máy điện, thậm chí cả viễn thông…. Chính điều này đã đẩy doanh nghiệp này chìm vào tình trạng mất cân đối tài chính.

* Cổ phiếu 10 năm chật vật về mệnh

Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo được bà Đặng Thị Hoàng Yến thành lập năm 1993 và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị từ năm 1996 tới nay. Trong suốt thập niên 2000, bà Yến cùng với em trai là ông Đặng Thành Tâm từng được gọi là "ông hoàng, bà hoàng khu công nghiệp". Đặc biệt, trong những năm 2008-2010, Tân Tạo ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng với lợi nhuận cả trăm tỷ.

Từ năm 2011, doanh thu và lợi nhuận của Tân Tạo đột ngột quay đầu giảm mạnh– mở đầu cho một thập kỷ kinh doanh chật vật với sự vắng bóng của nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị. Cùng với Tân Tạo, cổ phiếu ITA của doanh nghiệp này dường như đang dập dềnh trong cơn suy kiệt từ nền tảng của chính họ. Còn nhớ ITA từ một mã cổ phiếu có mức giá đáng mơ ước 120.000 đồng/cp đã lao dốc xuống chỉ còn dao động quanh mức 2.200 đồng/cp. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm về trước.

Quay trở lại câu chuyện 2 năm trước, đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 tại Vũ Hán (Trung Quốc) cùng với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã tạo nên làn sóng dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam, đây được xem là "thiên thời, địa lợi" cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, trong đó có cả Tân Tạo. Từ đây, cổ phiếu ITA đã hồi sinh tăng mạnh kể từ tháng 4/2020, trong vòng một năm ITA đã "tạm" tăng hơn 320% giá trị từ mức giá 1.900 đồng/cp lên 8.000 đồng/cp.

ITA từng bị ví như "nhà hoang vô chủ" khi trong suốt thời gian 10 năm cổ phiếu chìm sâu dưới mệnh giá (từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2021) và có thời điểm còn chưa đến 2.000 đồng/cổ phiếu, cũng là thời gian vắng bóng liên tục của nữ Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông.  

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông năm 2017, ông Đặng Thành Tâm, khi đó thay mặt chị gái làm chủ tọa, điều hành cuộc họp đã quả quyết với cổ đông rằng "cổ phiếu ITA sẽ tăng về mệnh giá là thấp nhất". Tuy nhiên, phải hơn 4 năm sau lời hứa của ông Tâm mới thành hiện thực.

Từ giữa tháng 7/2021 đến đầu năm 2022, cổ phiếu ITA từ mức thị giá tương đương với cốc trà đá đã ghi nhận giai đoạn tăng phi mã hơn 3 lần, bắt đầu từ mức 5.700 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, từ đầu tháng 11/2021, sau khi về mệnh, cổ phiếu ITA đã chứng kiến chuỗi tăng liên tục hơn 80% trong chưa đầy hai tháng lên mức đỉnh 18.550 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 1/2022. Song chuỗi tăng có vẻ còn chưa đủ, cổ phiếu ITA đã “vội vàng” quay đầu xuống dốc và tiếp tục chuỗi ngày giao dịch dưới mệnh giá.

Cổ phiếu ITA liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh công ty dính vào những lùm xùm như bị “cáo buộc phá sản”, “nhầm lẫn” trong việc hạch toán tạm ứng nghìn tỷ đồng cho Chủ tịch.... Hơn nữa, việc cổ phiếu ITA liên tục rơi vào tình trạng lẹt đẹt, vừa lên đỉnh đã vội đi xuống cũng được cho là do công ty không có nhiều đột phá về kinh doanh cũng như tăng trưởng lợi nhuận. Bên cạnh đó là những yếu tố như không chia cổ tức (từ 2014 đến nay), 10 năm liền Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến vắng bóng tại các kỳ đại hội đồng cổ đông, nhiều dự án trì trệ…

Cổ phiếu ITA là một trong những cổ phiếu sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhờ ITA, bà Đặng Thị Hoàng Yến có thời gian dài đứng ở vị trí cao trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, cổ phiếu ITA “ngụp lặn” ở mức thấp hơn mệnh giá rất nhiều.

Nhìn chung, với kết quả kinh doanh trồi sụt thất thường cùng những lùm xùm chưa có hồi kết của Tân Tạo không chỉ gây “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư, mà còn cho thấy con đường giao dịch dưới mệnh giá của cổ phiếu ITA dự báo sẽ còn tiếp diễn, cũng như hành trình tìm lại đỉnh cao của cổ phiếu còn là một chặng đường dài gian nan trước mắt.

 

* Lợi nhuận tăng mạnh nhưng vẫn "tí hon"

Trong tháng 6/2022, Tân Tạo lùm xùm trước thông tin "phá sản" vì liên quan đến khoản nợ không trả trị giá 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây, Tân Tạo đã “dập tắt” tin đồn phá sản khi công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với lợi nhuận tăng đột biến. Dù vậy, mức lãi mà Tập đoàn thu được vẫn rất khiêm tốn so với quy mô vốn khổng lồ 11.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tân Tạo đạt 317 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 145 tỷ đồng của quý II/2022; luỹ kế 6 tháng đầu năm tăng từ 322 tỷ đồng lên 381 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, doanh thu Tân Tạo tăng mạnh nhưng các loại chi phí đều giảm khá sâu, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 45,2 tỷ đồng xuống 24,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm từ 1,5 tỷ đồng xuống 208 triệu đồng, chi phí tài chính 8,5 tỷ đồng xuống 11,7 triệu đồng.

Vì vậy, lợi nhuận sau thuế của Tân Tạo bứt phá mạnh, đạt 118 tỷ đồng, tăng 99,8 tỷ đồng, tương đương 548% so với quý II/2021; luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 134 tỷ đồng, tăng 58,2 tỷ đồng, tương đương 76,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng cao nhưng xét về giá trị tuyệt đối, con số lãi 134 tỷ đồng vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với 11.162 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu tại Tân Tạo chỉ là 1,2%, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh nhưng Tân Tạo lại chứng kiến lượng tiền mặt “bốc hơi” rất mạnh. Tại thời điểm ngày 30/6/2022, tiền mặt và các khoản tương đương tiền của Tập đoàn chỉ còn 20,2 tỷ đồng, giảm 211,8 tỷ đồng, tương đương 91,3% so với hồi đầu năm.

“Đóng góp” nhiều vào đà giảm sâu của tiền mặt chính là thanh toán tiền vay. Trong kỳ, Tân Tạo đã dành gần 130 tỷ đồng để trả nợ gốc vay. Kết quả là Tập đoàn âm nặng dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động sử dụng vào hoạt động tài chính là âm 111 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1.114 tỷ đồng.

* Chủ tịch và những lời hứa với cổ đông ITA

Bà Đặng Thị Hoàng Yến là người đứng sau không ít thành công của Tân Tạo trong quá khứ như doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp đất phát triển khu công nghiệp; công ty phát triển khu công nghiệp đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán; ITA trở thành 1 trong 9 cổ phiếu blue-chip được gia nhập chỉ số chứng khoán Russell Global Index; 1 trong 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn và tính thanh khoản tốt nhất Việt Nam được lựa chọn trong chỉ số S&P Vietnam 10 Index vào năm 2011. 

Thế nhưng sau những thành công đó, từ năm 2013 đến 2019, bà Yến liên tục vắng mặt trong 6 cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tân Tạo với nhiều lý do như lịch làm việc dày đặc, bận chữa bệnh hay thời gian bảo vệ luận văn tiến sỹ trùng với lịch đại hội đồng cổ đông. Đối với một doanh nghiệp niêm yết, cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên là dịp để lãnh đạo doanh nghiệp tiếp xúc lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cổ đông. Do đó, việc vắng mặt trong thời gian dài liên tiếp dù với bất cứ lý do gì thì cũng đều đáng trách.

Mãi đến 3 năm gần đây (2020-2022), trước sự bức xúc của nhiều cổ đông về việc vắng mặt, bà Yến mới lộ diện và điều hành đại hội nhưng cũng chỉ thông qua hình thức trực tuyến với tuyên bố: “ITA sẽ trở lại thời hoàng kim và trở thành một trong những cổ phiếu sẽ đóng góp tích cực vào phát triển nền kinh tế. Gái có công, chồng chẳng phụ”.

Phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Tân Tạo năm 2021 diễn ra hết sức đặc biệt bởi hai lý do. Thứ nhất là sự trở lại của Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến sau nhiều năm vắng bóng. Năm 2021, bà Yến vẫn họp trực tuyến từ Mỹ nhưng dùng tên mới "Maya Dangelas" thay vì Đặng Thị Hoàng Yến. Điều đặc biệt thứ hai là lời hứa sớm "đền đáp" cổ đông, nhà đầu tư và sớm đưa Tân Tạo trở lại quỹ đạo khi tình hình kinh doanh đang không mấy khả quan. 

Bà Yến khẳng định ITA sẽ biến khó khăn thành cơ hội. 

Thế nhưng, chưa biết lời hứa của bà có thành hiện thực hay không, nửa đầu năm nay, Tân Tạo đã phải đối mặt không ít lùm xùm từ việc Công ty tạm ứng tiền cho cá nhân bà Maya Dangelas, cổ phiếu bị cắt margin, báo cáo tài chính quý II/2022 hạch toán sai tài khoản giữa phải thu khác và đầu tư khác…

Và mới đây nhất là việc Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế TPHCM rà soát số liệu kê khai thuế của Tân Tạo với số liệu công bố trên các website giao dịch chứng khoán, website Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời kiểm tra xác minh số tiền Tân Tạo đã tạm ứng cho Chủ tịch để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm (nếu có) và tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục