Tăng cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam - Bài 2: Xác định chiến lược mới

10:52' - 14/09/2019
BNEWS Ngành thủy sản hiện đang được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp đến 3,43% GDP toàn quốc và 23,75% GDP của ngành nông nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Trước những khó khăn và thách thức của thị trường hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam muốn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng khó tính cần xác định chiến lược mới nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho toàn ngành.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Một trong những vấn đề giúp hàng hóa cạnh tranh kể cả thị trường thế giới lẫn nội địa đó là giá thành sản phẩm. Những sản phẩm cùng chất lượng nếu có giá thấp hơn sẽ dễ dàng được người tiêu dùng lựa chọn. Ngành thủy sản cũng không nằm ngoài quỹ đạo này.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhấn mạnh, ngành thủy sản Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng cao tại thị trường thế giới, 2 doanh nghiệp đứng đầu ngành tôm Việt Nam chiếm tỷ trọng 70% doanh số toàn cầu, doanh nghiệp đứng đầu ngành cá tra Việt Nam chiếm tỷ trọng 80% doanh số toàn cầu, 37 doanh nghiệp hàng đầu hải sản chiếm tỷ trọng 70% doanh số toàn cầu.

Tuy nhiên, sự dẫn đầu doanh số này trước mắt là do yếu tố cạnh tranh về giá quyết định. Đối với sản phẩm cùng chất lượng tại các quốc gia khác, người tiêu dùng thế giới lựa chọn hàng Việt Nam vì hàng Việt có giá cạnh tranh hơn. Để làm được điều này và có thể tiếp tục thế mạnh về giá, toàn ngành thủy sản hướng đến chiến lược nâng cao giá trị công nghệ chế biến mới.
Các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu. Không những vậy, điều quan trọng là sự lựa chọn công nghệ chế biến tạo ra sản phẩm chất lượng, nhưng có thể giúp giảm giá thành sản phẩm. Như vậy, sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam mới có giá cạnh tranh, hi vọng giữ được thế đứng như hiện nay.
Theo Tổng cục thủy sản, tính đến cuối tháng 8/2019, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt hơn 4 triệu tấn, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng khai thác đạt gần 2 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018. Để có mức tăng trưởng này, đều là sự nỗ lực của toàn ngành thủy sản Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam (Vinafis), ngành thủy sản hiện đang được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp đến 3,43% GDP toàn quốc và 23,75% GDP của ngành nông nghiệp.

Ngành thuỷ sản hiện nay được xác định không chỉ nuôi ở đất liền, mà còn có chiến lược nuôi biển. Theo đó, chất lượng con giống đóng vai trò quan trọng về giá thành và chất lượng sản phẩm. Khi được đầu tư đúng mức, tỷ lệ hao hụt con giống sẽ giảm, chỉ số thức ăn, chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản, thông tin thị trường đầy đủ thì việc sản xuất nguyên liệu thuỷ sản cũng sẽ nằm trong vòng kiểm soát.
Ông Hà Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) chia sẻ, hiện nhiều địa phương không kiểm soát được diện tích thả nuôi cá tra, mật độ nuôi, các size thị trường cần dẫn đến ngành cá tra thường có những chu kỳ khủng hoảng cung vượt cầu. 

Trên thực tế, kích cỡ cá tra và các mặt hàng thuỷ sản mà thị trường cần vẫn có thể xuất khẩu được giá tốt. Chỉ những kích cỡ cá hoặc tôm mà thị trường nhập khẩu không cần, không đặt hàng mới dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, thừa hàng, dội chợ và giá thấp. 

Vì vậy, người sản xuất cá tra, tôm và các loại thuỷ sản khác phải nắm được quy hoạch nuôi và giảm mật độ thả nuôi, đảm bảo sức khỏe và chất lượng con cá tra, lựa chọn công nghệ mới trong nuôi cá tra, tránh thải nước ra môi trường.

Thu hút đầu tư con giống
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế nước ngoài, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 4 thế giới trong ngành sản xuất nuôi trồng thủy sản, chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ.

Bà Rose Chitanuwat, Giám đốc chuỗi dự án Tập đoàn UBM Asia (Khu vực Asean) chia sẻ, Chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa nhằm thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững thông qua nhiều chính sách, cơ chế khác nhau. Điều này thể hiện qua sự phát triển chất lượng và số lượng mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu ra khắp hơn 100 thị trường trên thế giới.
Tuy nhiên, để có thể phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam hơn nữa, việc đầu tư sản xuất con giống chất lượng cao là việc phải làm trước hết. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nhận định, điều kiện trình độ nuôi trồng chế biến thủy sản thế giới đã phát triển đến mức cao.

Các quốc gia tiên tiến chỉ cần 2 đến 3 năm để phát triển con giống chất lượng cao. Trong khi đó doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam phải trải qua 10 năm để làm việc này.
Vì vậy, Việt Nam cũng cần có chiến lược thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất con giống chất lượng cao tại Việt Nam. Từ đó, người sản xuất giống thuỷ sản trong nước có thể học hỏi kỹ thuật để vừa cung cấp cho thị trường trong nước, vừa cung cấp giống thuỷ sản cho xuất khẩu.

 Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Thuận Phước. Ảnh (Tư liệu): Vũ Sinh - TTXVN

Trước những mục tiêu đặt ra cho ngành thuỷ sản Việt Nam trong năm 2019, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất phải thực hiện liên kết tốt để nâng cao chất lượng từ con giống đến sản phẩm chế biến cuối cùng bán ra thị trường. Theo đó, nguồn nguyên liệu sản phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Cụ thể, chính quyền địa phương lẫn doanh nghiệp, người sản xuất thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng hải sản khai thác, đánh bắt. Có như vậy, các doanh nghiệp mới đủ điều kiện nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng xuất khẩu, hoàn thiện các chương trình quản lý chất lượng, quản lý tốt chất lượng nguồn nguyên liệu.
Đồng thời, trong quá trình xuất khẩu, các doanh nghiệp gặp những vướng vướng mắc, có thể thông báo đến các Bộ, ngành liên quan để có biện pháp xử lý kịp thời, tiếp tục đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững.

Song song với các chính sách tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp củng phải đổi mới, nâng cao công nghệ sản xuất giống, thức ăn và khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, thu hoạch, chế biến.../.
>> Giải pháp xuất khẩu nông, thủy sản bền vững sang thị trường Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục