Giải pháp xuất khẩu nông, thủy sản bền vững sang thị trường Trung Quốc

18:37' - 13/09/2019
BNEWS Trung Quốc đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu.
Quang cảnh Hội nghị “Phát triển xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc”.  Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nhằm rà soát, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng tổ chức lại sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu của Trung Quốc, góp phần tận dụng các lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và phát triển xuất khẩu nông, thủy sản một cách bền vững sang thị trường này, chiều13/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Phát triển xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc”.

* Xuất khẩu suy giảm

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới với dân số hơn 1,4 tỷ người, đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu.

Trong những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông, thủy sản của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.

Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu Bộ Công Thương Trần Thanh Hải phát biểu tại Hội nghị “Phát triển xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc”. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Cùng với đó, đây cũng là thị trường đứng đầu về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ 2 về hạt điều; đứng thứ 3 về thủy sản; đứng thứ 4 về chè...và thứ 12 về cà phê..., đồng thời đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác. Đặc biệt, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định ACFTA, có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm.

Như vậy, có thể thấy rằng hàng hóa nông, thủy sản của Việt Nam vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng.

“Kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam trong 8 tháng đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhóm hàng nông, thủy sản, Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua”, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Trần Thanh Hải cho biết: Từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông, thủy sản nhập khẩu. Điều này phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng như các yếu tố về cung cầu thị trường như đối với một số mặt hàng gạo, sắn… Hơn nữa, tập quán làm ăn nhỏ lẻ, manh mún cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc.

Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Hải cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới và khu vực đang có nhiều biến động.

Đơn cử như sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 của nước này không khởi sắc; tác động từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung dẫn tới xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu nông sản làm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu, đồng Nhân dân tệ giảm giá.

Bên cạnh đó, tác động từ các chính sách mới và thực thi chính sách từ năm 2018 của các cơ quan quản lý Trung Quốc như: Tăng cường kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm nhập khẩu; chính sách thương mại biên giới được siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, thu hẹp diện mặt hàng trao đổi cư dân biên giới...

Ngoài ra, Trung Quốc còn thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động nhập khẩu nông, thủy sản trên tuyến biên giới đất liền thông qua các biện pháp tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không những thế, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại (FTA) khiến thị trường hàng hóa nông, thủy sản được mở rộng, nhưng vấn đề đàm phán về kiểm dịch động thực vật đang là một bài toán cho các nước khi mở cửa thị trường hàng nông, thủy sản cho nhau.

Đại diện phía doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, nguyên nhân lớn nhất của sự sụt giảm xuất khẩu gạo sang Trung Quốc là do phái bạn tăng cường siết chặt về kiểm dịch và tăng cường yêu cầu an toàn thực phẩm. Hơn nữa, Trung Quốc hiện có lượng tồn kho rất lớn bởi nếu trước đây là nước nhập khẩu lớn thì nay lại là nhà xuất khẩu.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm bày tỏ: “Với tình hình hiện nay, Trung Quốc sẽ trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới. Thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, cơ cấu lại nền kinh tế cũng như triển khai đầu tư phát triển nông nghiệp sang Campuchia và Myanmar nên giảm nhu cầu nhập khẩu gạo”.

* Giải pháp xuất khẩu bền vững

Nhận định về việc xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, những khó khăn về xuất khẩu sang Trung Quốc đã tồn tại nhiều năm và các Bộ, ngành, doanh nghiệp cũng đã có nhiều nỗ lực giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị “Phát triển xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc”. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Dù vậy, đến thời điểm này không thể chậm trễ được nữa vì Trung Quốc ngày càng đặt ra các hàng rào với yêu cầu cao, chặt chẽ liên quan đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu…

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Trung Quốc có nhu cầu lớn với các mặt hàng chủ lực như: gạo, cao su, thủy sản, nông sản chế biến…, nhất là trong giao thương chính ngạch.

Vì vậy, Bộ Công Thương mong muốn phối hợp để định vị lại sao cho đúng với thực tiễn thương mại quốc tế, từ đó đi đến các giải pháp cụ thể để tăng trưởng xuất khẩu, tạo nên thị trường ổn định cho ngành nông nghiệp và từng bước giải quyết câu chuyện "được mùa, mất giá" của nông sản như đã chứng kiến lâu nay.

“Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ban, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương sẽ cùng phối hợp, trao đổi, làm rõ hơn từ báo cáo đến thực tiễn để đối chiếu chính sách, phân tích những yêu cầu liên quan để từ đó xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu bền vững”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nếu không nhận dạng được những thay đổi từ thị trường Trung Quốc thì hiệu quả xuất khẩu sẽ thấp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ thêm, thời gian qua, phía bạn đã chuyển hình thức thương mại từ chỗ tổng hợp nhiều hình thức xuất nhập khẩu thành một hình thức duy nhất là xuất nhập khẩu chính ngạch (từ 1/6/2019).

Đây là thay đổi chính đáng vì người dân ở đâu cũng có nhu cầu về chất lượng ngày càng cao của sản phẩm nhập khẩu. Nếu không nắm bắt, chuyển hóa kịp thời thì Việt Nam sẽ lúng túng.

“Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung cho nông nghiệp, chấn hưng nông nghiệp. Chính vì lẽ đó nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của ta có kim ngạch xuất khẩu giảm, gặp nhiều khó khăn. Nếu không nhận dạng được những thay đổi này thì hiệu quả xuất khẩu sẽ thấp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.

Trước hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước và để phát triển xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam một cách bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương cần phải tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, nâng cao công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

Bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú trọng sản xuất theo quy hoạch, căn cứ theo nhu cầu, dung lượng thị trường, mùa vụ.

Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tại thị trường Trung Quốc; xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại Trung Quốc.

Đặc biệt, việc dựa vào thương mại biên giới và giao dịch không ký kết hợp đồng cần phải được xóa bỏ và thay đổi, chuyển thành thương mại chính quy bởi việc thay đổi tư duy xuất khẩu sẽ giúp nông sản không còn chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà khi chất lượng được nâng cao sẽ chinh phục được nhiều thị trường khác.

Cùng quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp không thể kiểm soát từ A - Z mà cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương để kiểm soát dư lượng bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu để hạt gạo Việt Nam an toàn.

Đáng chú ý, khi Trung Quốc nâng cao kiểm soát về chất lượng thì doanh nghiệp buộc phải thay đổi tư duy, chất lượng. Có như vậy mới giúp doanh nghiệp không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc mà còn có thêm nhiều cơ hội với các thị trường khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục