Tăng cường kết nối doanh nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam - Ấn Độ

10:50' - 22/05/2025
BNEWS Chiều 21/5, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong ngành đồ gỗ và nội thất” nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, chiều 21/5, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong ngành đồ gỗ và nội thất” nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước.

Tham gia hội thảo có gần 100 doanh nghiệp Việt Nam, Ấn Độ cùng các hiệp hội, trung tâm xúc tiến thương mại hoạt động trong lĩnh vực đồ gỗ và nội thất. Đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm đối tác, mở rộng hợp tác và thúc đẩy thương mại song phương.

 

Phát biểu mở màn hội thảo, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn và truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, ngành đồ gỗ và nội thất đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Ấn Độ hiện là một trong những thị trường nội thất phát triển nhanh nhất thế giới, với giá trị ước tính đạt hơn 40 tỷ USD vào năm 2025 và dự báo tiếp tục tăng trưởng hai con số đến năm 2030. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, nổi bật với năng lực sản xuất mạnh, kỹ thuật chế biến gỗ hiện đại và lực lượng lao động lành nghề.

Việc kết nối thế mạnh sản xuất của Việt Nam với nhu cầu thị trường khổng lồ của Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị phần xuất khẩu, trong khi các doanh nghiệp Ấn Độ được tiếp cận với nguồn cung ứng chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác trong việc thành lập liên doanh sản xuất, chia sẻ công nghệ chế biến gỗ, thiết kế nội thất và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường như gỗ tái tạo, tre hoặc các loại vật liệu bền vững khác. Với nền tảng vững chắc và tầm nhìn chiến lược, hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong ngành đồ gỗ và nội thất hứa hẹn sẽ mở ra một chương mới đầy triển vọng cho cả hai nền kinh tế.

Về phía Ấn Độ, ông Rajesh Bhagat, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Worldex India - công ty xúc tiến thương mại hàng đầu của nước này - phát biểu nhấn mạnh quy mô và tiềm năng phát triển to lớn của thị trường Ấn Độ, đặc biệt trong ngành nội thất, với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng, bất động sản, đô thị hóa. Theo ông Bhagat, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để không chỉ xuất khẩu sang Ấn Độ mà còn xem xét đến các hình thức hợp tác lâu dài, ví dụ như liên doanh, chia sẻ công nghệ, hoặc phát triển cùng nhau.

Tại hội thảo, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã chỉ ra những thách thức và cơ hội trong giao dịch đồ gỗ và nội thất hiện nay giữa hai nước. Về cơ hội, ông cho rằng hai nước có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư; các sản phẩm đồ gỗ và nội thất được sản xuất ở Việt Nam rất phù hợp với thị hiếu của người dân Ấn Độ. Về những thách thức, ông lưu ý tới rào cản thương mại, sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chứng nhận BIS (tiêu chuẩn của Ấn Độ), thuế, chi phí vận chuyển, cạnh tranh cao với Trung Quốc và các nước ASEAN…

Để giải quyết những thách thức, ông Ngô Sỹ Hoài đề xuất, các doanh nghiệp/hiệp hội hữu quan của hai nước ký Bản ghi nhớ (MoU) nhằm tạo thuận lợi cho thương mại/hợp tác giữa hai bên; thường xuyên tổ chức các cuộc họp nhằm trao đổi/cập nhật thông tin; các cơ quan hữu quan Ấn Độ đẩy nhanh việc đánh giá/cấp giấy chứng nhận BIS; chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm về đồ gỗ và nội thất, máy móc và công nghệ gỗ tại hai nước…

Đại diện các doanh nghiệp hai nước cũng trao đổi sôi nổi về những vấn đề liên quan như phân phối, đầu tư, chuyển giao công nghệ, liên doanh sản xuất … Điều này mở ra hy vọng ngành đồ gỗ và nội thất sẽ trở thành điểm nhấn trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Ấn Độ trong thời gian tới.

https://baotintuc.vn/kinh-te/tiem-nang-hop-tac-viet-anve-do-go-va-noi-that-20250522095804157.htm

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục