Tăng cường quản lý và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ

17:03' - 02/12/2017
BNEWS Để tăng khả năng chống chịu tốt, sinh trưởng nhanh, các loài cây ưu tiên chọn trồng rừng phòng hộ đầu nguồn như trám, sến, sao đen...; rừng phòng hộ ven biển, chắn gió cát như phi lao, keo chịu hạn...
Tăng cường quản lý và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ. Ảnh minh họa: Thanh Tùng-TTXVN

Trong các ngày 1/12 và 2/12, tại thành phố Huế, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ.

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, đây là hội nghị hàng năm nhằm đánh giá kết quả công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ.

Hội nghị tập trung bàn về các chính sách quản lý nhà nước và những nội dung cơ bản trong Luật Lâm nghiệp cần triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo nhằm quản lý tốt hơn hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ Việt Nam; nhất là triển khai những nội dung cơ bản trong Luật Lâm nghiệp liên quan đến công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; triển khai những chủ trương chính sách mới của Thủ tướng Chính phủ có tác động trực tiếp đến công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ.

Hội nghị còn bàn thảo một số vấn đề về hoạt động du lịch sinh thái, cơ chế tự chủ tài chính trong rừng đặc dụng, phòng hộ với sự tham gia của người dân địa phương; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về giám sát đa dạng sinh học rừng, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để hỗ trợ việc ban hành các chính sách trong tương lai; thiết lập mối liên hệ giữa hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng trong quản lý và thực hiện các hoạt động có hiệu quả.

Trong chương trình hội nghị, các đại biểu đi thực tế tại Vườn Quốc gia Bạch Mã để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái rừng giữa các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu rừng phòng hộ.

Tại Thừa Thiên - Huế độ che phủ của rừng trên địa bàn đạt gần 58% so với diện tích đất tự nhiên và được đánh giá chiếm tỷ lệ độ che phủ rừng cao so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Rừng phòng hộ được tập trung quản lý và phát triển tại các khu vực đầu nguồn các con sông, hồ đập thủy điện, hành lang biên giới, ven biển.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh còn coi trọng đầu tư trồng rừng phòng hộ tại các khu công nghiệp, khu du lịch biển, khu công cộng. Để tăng khả năng chống chịu tốt, sinh trưởng nhanh, các loài cây ưu tiên chọn trồng rừng phòng hộ đầu nguồn như trám, sến, sao đen, dầu rái; rừng phòng hộ ven biển, chắn gió cát như phi lao, keo chịu hạn, keo tai tượng, dứa dại...; rừng phòng hộ môi trường như sấu, sưa, sao đen, sến trung...

Theo ông Nguyễn Trọng, Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp, tuy đạt được những thành công, song mới tập trung vào khâu sản xuất, cung cấp giống, quy trình lâm sinh, chăm sóc rừng mà chưa có các tư vấn hỗ trợ về quy hoạch sử dụng đất quy mô hộ gia đình, trang trại.

Thời gian tới, các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tiếp tục được bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng để vừa bảo tồn nguồn gen động thực vật quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, tỉnh xác định loài cây được chọn phục vụ trồng rừng đặc dụng, như lim xanh, sến, muồng đen.

Các địa phương, đơn vị trồng rừng nghiên cứu và tuyển chọn các giống cây trồng thích nghi trên các dạng lập địa, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tạo giống cây trồng như công nghệ dâm hom, nuôi cấy mô và kinh nghiệm sản xuất cây giống bản địa trong nhân dân để sản xuất giống chất lượng cao như trám, ươi, huỷnh, vạn, quế, trầm hương...

Ngày 15/11, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Lâm nghiệp. Đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự nỗ lực của ngành lâm nghiệp được ghi nhận, coi lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ quản lý bảo vệ phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.

Năm 2017, là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng tại Quyết định số 886 (ngày 16/6/2017); trong đó, mục tiêu đến năm 2020 giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5 đến 6,0%/năm; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha.

Điều đó cho thấy, ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung và công tác bảo vệ rừng, nguồn tài nguyên thiên nhiên nói riêng đang đứng trước bối cảnh có nhiều biến chuyển về thể chế, chính sách với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, xã hội trong cả nước./.

>>> Ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ và phát triển rừng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục