Tăng hiệu quả thực thi hiệp định thương mại tự do

18:23' - 31/10/2023
BNEWS Thực thi FTA tại địa phương còn nhiều khó khăn; mức độ quan tâm tới triển khai các FTA của mỗi địa phương vẫn chưa đủ và chưa đồng đều, chưa tạo được những đột phá cho doanh nghiệp.

Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên cả nước, nhất là thúc đẩy tăng trưởng giá trị thương mại.

 

Tuy nhiên, kết quả thực thi FTA cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường này. Cùng đó, thực thi FTA tại địa phương còn nhiều khó khăn; mức độ quan tâm tới triển khai các FTA của mỗi địa phương vẫn chưa đủ và chưa đồng đều, chưa tạo được những đột phá cho doanh nghiệp. Nội dung này đã được các diễn giả thảo luận sâu tại Tọa đàm “Trợ lực cho các địa phương, gia tăng hiệu quả thực thi FTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức chiều 31/10 tại Hà Nội.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Bình luôn đạt được mức tăng trưởng khá, đặc biệt trong 3 năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế cũng có nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng dịch COVID-19.

Cụ thể, năm 2021 tăng trưởng ở mức 23,9%, năm 2022 đạt được mức 13,5% cho đến năm 2023 có thể nói là một năm rất nhiều khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu của cả nước; trong đó, có Thái Bình. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt được mức tăng trưởng và tính trung bình trong 3 năm gần đây xuất khẩu của Thái Bình đạt được khoảng 14,3%. Một số mặt hàng đã tận dụng tốt được các FTA, kể cả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) như là mặt hàng may mặc, thủy sản, giày da…

Để có được kết quả đó, ngoài năng lực và sự chủ động của doanh nghiệp còn có những sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan nhà nước, đặc biệt trong tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp để đẩy mạnh tận dụng lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Theo bà Tô Thị Hương Lan, ngay khi Hiệp định Thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện FTA mà Việt Nam là thành viên, nhất là FTA thế hệ mới. Trong số đó, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình đã tập trung vào tuyên truyền, đặc biệt đã phối hợp với các đơn vị Cục, Vụ của Bộ Công Thương tổ chức một số hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm được những thông tin cũng như những quy định của các hiệp định.

Mặt khác, tỉnh cũng tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như biên soạn sổ tay, cẩm nang hoặc phối hợp với cơ quan truyền thông để xây dựng chuyên đề, chuyên mục về hội nhập kinh tế, FTA để người dân và doanh nghiệp cùng nắm được. Bên cạnh đó, sở cũng tham mưu một đề án đẩy mạnh xuất khẩu của tỉnh và đề án này cũng đã được tỉnh ban hành năm 2022; làm đầu mối tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong những năm gần đây đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin được chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực cũng như quy mô sản xuất với một số mặt hàng, nhất là mặt hàng chủ lực của tỉnh…

Bà Tô Thị Hương Lan nhấn mạnh, thời gian tới, để tận dụng các FTA để đẩy mạnh sản xuất cũng như xuất khẩu, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cũng như quy mô sản xuất và hỗ trợ thúc đẩy thực hiện giải pháp đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu. Đặc biệt, sở tiếp tục triển khai kế hoạch, đề án đã ban hành như Đề án tái cơ cấu ngành công thương cũng như đẩy mạnh Đề án đẩy mạnh xuất khẩu; tiếp tục triển khai kế hoạch triển khai thực hiện FTA đã ban hành; trong đó, phát huy vai trò của Sở Công Thương là đầu mối trên địa bàn tỉnh để triển khai các FTA.

Cùng đó, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh và tiếp tục thực hiện những giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, đặc biệt là đối với đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, ngành nghề có ưu thế để tận dụng các FTA đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, cũng sẽ tiếp tục tập trung vào hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tập huấn cho doanh nghiệp tận dụng cũng như nắm bắt các cơ hội từ các FTA, quy tắc xuất xứ để theo các chuyên ngành, ngành hàng để doanh nghiệp cũng hiểu rõ và thực hiện được đúng quy tắc xuất xứ. Theo đó, chủ động được chiến lược sản xuất kinh doanh.

Đối với giải pháp về cải cách hành hành chính, thủ tục hành chính sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến chứng nhận xuất xứ, thủ tục khác liên quan đến xuất khẩu để làm sao doanh nghiệp sớm hoàn thiện bộ chứng từ xuất khẩu để thực hiện xuất khẩu ở các lô hàng.

Đặc biệt, tỉnh sẽ có những định hướng, căn cứ vào thực tiễn của tỉnh để có những giải pháp thu hút đầu tư đối với những lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với địa phương và đặc biệt để tận dụng được các cơ hội, các FTA trong thời gian tới.

Liên quan tới việc hiện nay chuỗi cung ứng tại các khu vực FTA tiếp tục có sự dịch chuyển đi kèm với những thách thức mới tại nhiều thị trường, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, tới đây, cần sự chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương, từ bộ xuống tới các địa phương để có thể tận dụng tốt và triển khai FTA một cách hiệu quả… Cùng đó, cần có sự chỉ đạo xuyên suốt từ phía Bộ xuống tới các tỉnh để target (mục tiêu) vào từng địa phương phù hợp với hạng mục đầu tư nào để khuyến khích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào hạng mục đó. Đây cũng là một cách góp phần gia tăng xuất khẩu gián tiếp cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, liên quan tới FTA Index (thông tin bổ sung tin cậy giúp các nhà đầu tư định hướng và đưa ra quyết định đầu tư, từ đó giúp khuyến khích các dòng đầu tư chất lượng cao tận dụng cơ hội từ các FTA), Bộ Công Thương đã lường trước được nhiều thách thức, từ phương pháp lấy thống kê để cho minh bạch, công bằng. Quan trọng hơn là khi công bố, nếu có những ý kiến khác nhau sẽ xử lý ra sao.

Theo ông Ngô Chung Khanh, tổ của FTA Index không phải chỉ riêng Bộ Công Thương. Đây là một vấn đề lớn nên có một tổ công tác của các bộ, ngành liên quan để vận hành cũng như kiểu xây dựng bộ chỉ số này. Hiện nay, Bộ đã đang triển khai theo thủ tục lựa chọn đơn vị thực hiện đánh giá, khảo sát, đánh giá FTA và cũng đang trong giai đoạn cuối cùng để lựa chọn.

Khi Bộ Công Thương lựa chọn được phương pháp sẽ phải lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và nhất là phải được biên tập, thống kê thông qua và kể cả các câu hỏi trong quá trình phương pháp đấy cũng phải tham vấn với tất cả 63 tỉnh thành. Thậm chí, Bộ Công Thương còn căn cứ trên kế hoạch đăng ký của một số tỉnh sẽ tổ chức thông báo và hướng dẫn cho các tỉnh thành biết để làm như thế nào, làm sao có thể làm chuẩn theo FTA Index. Dự kiến, theo kế hoạch cuối 2023 bộ chỉ số này phải ban hành và công bố.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục