Tăng liên kết ngành công nghiệp để tham gia chuỗi cung ứng

17:44' - 20/08/2024
BNEWS Theo các chuyên gia, cho rằng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cần liên kết mạnh mẽ hơn nữa để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng ngay trên sân nhà.
Dù tỷ lệ nội địa hóa nhiều sản phẩm trong nước đã được nâng cao, như dệt may, da giày với 50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%... tuy nhiên để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng ngay trên sân nhà, các chuyên gia cho rằng, cần có sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả, cắt giảm chi phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia; tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

 
Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, hiện nay các chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp còn hạn chế; việc phổ biến, tuyên truyền về các chính sách ưu đãi đến cộng đồng các doanh nghiệp cũng chưa được thực hiện thường xuyên, trên phạm vi rộng. 

Sản xuất công nghiệp hỗ trợ có xuất phát điểm thấp, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp trong quá trình thực thi chính sách.

Từ đó, tỷ lệ nội địa hóa hiện nay vẫn còn thấp, khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD.

Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội liên tục tăng cả về số lượng, quy mô cũng như chất lượng, lĩnh vực; trong đó, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; Sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; Sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo.

Tuy nhiên, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước nói chung và của Hà Nội nói riêng vẫn còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Do vậy, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa còn thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD. Chỉ tính riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô ô vào khoảng 35 - 50 tỷ USD, ông Nguyễn Vân chia sẻ.

Do vậy, ông Nguyễn Vân cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự hợp tác để tham gia sâu chuỗi cung ứng, sản xuất để chiếm lĩnh được thị trường trong nước và toàn cầu.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu năng lực để tham gia chuỗi cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là các tập đoàn lớn bởi khả năng cạnh tranh còn yếu. Ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan… khả năng nội địa hóa khoảng 80 - 90%, trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa nguồn lực đầu vào chỉ khoảng 60%.   

Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho hay, thực tế ngành sản xuất cơ khí, công nghiệp hỗ trợ được dẫn dắt bởi những tập đoàn đa quốc gia, có sẵn chuỗi cung ứng. Vì thế, để doanh nghiệp muốn vào hệ thống sản xuất, đều phải thông qua toàn bộ chuỗi này.

Để làm được điều này, doanh nghiệp trong nước cần những tập đoàn lớn trong nước dẫn dắt và liên kết với nhau, liên kết với các công ty đa quốc gia. Việc liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, vẫn khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn, các chuyên gia cho rằng, cần thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử…

Cùng đó, cần phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn chậm nên chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được cải thiện rõ nét.

Vì thế điều cần làm là tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa, đại điện Bộ Công Thương đề xuất.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Trương Thị Chí Bình cho hay, đây là thời điểm cần có sự đầu tư tốt hơn nữa cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nội địa. Bởi vì khi làm việc với các đối tác lớn của nước ngoài, họ đặt ra yêu cầu về dây chuyền sản xuất là rất cao. 

Tuy nhiên, nếu như chỉ trông chờ các doanh nghiệp FDI thì doanh nghiệp trong nước sẽ mãi chỉ làm được những linh kiện lặt vặt bên ngoài. Cho nên, để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt cần bắt tay với nhau, cùng trao đổi đàm phán với doanh nghiệp mới đầu tư vào Việt Nam, để nắm bắt nhu cầu, và chuẩn bị sẵn sàng.

Các chuyên gia cho rằng, để tham gia chuỗi cung ứng, bản thân doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại, đưa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục